Lấp “lỗ hổng” cho vay hàng tồn kho luân chuyển, cách nào?

Lấp “lỗ hổng” cho vay hàng tồn kho luân chuyển, cách nào?

(ĐTCK) Thời kỳ bùng nổ những vụ việc tranh chấp liên quan đến cho vay thế chấp hàng tồn kho luân chuyển của các ngân hàng diễn ra từ những năm 2011 - 2013. Nhưng đến nay, nhiều vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm do quá trình tố tụng kéo dài. Làm thế nào để tránh rủi ro cho vay hàng tồn kho luân chuyển vẫn là câu chuyện nóng của các ngân hàng.

Mới đây, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án Đỗ Xuân Hai, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Đức Hiếu và các đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Việc cho vay diễn ra từ năm 2011, với nhiều hợp đồng tín dụng, nhiều khế ước nhận nợ, tài sản bảo đảm là hàng tồn kho luân chuyển (ngô, sắn) và một số tài sản khác.

Khi Công ty Đức Hiếu không trả được nợ, tháng 5/2012, Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản của VIB tiến hành kiểm kê hàng hóa trong kho thì số lượng hàng thực tế chỉ là hơn 3.000 tấn ngô, sắn.

Trong khi biên bản kiểm kê kiêm định giá tài sản được thực hiện vào tháng trước đó ghi nhận trong kho có hơn 27.000 tấn ngô, sắn.

Cơ quan điều tra xác định cựu Giám đốc Công ty Đức Hiếu đã chỉ đạo cấp dưới lập khống số liệu chứng từ hàng hóa thế chấp thể hiện trên biên bản kiểm kê định giá tài sản, biên bản giao nhận hàng hóa, hợp đồng kinh tế, hóa đơn, phiếu nhập kho của các công ty, doanh nghiệp và 12 cá nhân để hoàn thiện hồ sơ vay vốn, hồ sơ giải ngân rút tiền của ngân hàng.

Tương tự, trong vụ việc cựu Giám đốc CTCP Châu Âu Lê Quốc Dương chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của 5 ngân hàng, hàng hóa thế chấp của doanh nghiệp không đảm bảo đầy đủ số lượng theo hợp đồng thế chấp.

Do vay nợ nhiều ngân hàng, để tránh bị phát hiện, mỗi khi có ngân hàng đi kiểm tra, doanh nghiệp này lại dồn các cuộn inox lại cho đủ số lượng. Khi ngân hàng này đi, ngân hàng khác đến kiểm tra, Công ty lại dồn hàng vào vị trí khác cho ngân hàng.

Thậm chí, doanh nghiệp này còn dùng thanh sắt chữ V, các tấm tôn, inox phế liệu và một số nguyên liệu khác để sản xuất các cuộn inox giả “đối phó” với cán bộ ngân hàng.

Nhiều trường hợp ngân hàng cho vay doanh nghiệp sản xuất thế chấp hàng tồn kho luân chuyển đã xảy ra tình trạng hàng hóa thế chấp không đủ, kê khống, làm giả hàng hóa hoặc cùng một lượng hàng thế chấp cho nhiều ngân hàng.

Không ít vụ việc ầm ĩ siết nợ kho hàng đã xảy ra khi nhiều ngân hàng cùng cho nhân viên xuống bao vây một kho hàng rỗng như vụ việc tại Công ty Trường Ngân ở Bình Dương, vụ việc Công ty Âu Mỹ ở Hà Nội...

Nhìn nhận về cho vay thế chấp hàng tồn kho luân chuyển, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho biết, việc cho vay chiếm tỷ lệ lớn trong cho vay khách hàng doanh nghiệp.

Đây cũng là tài sản chủ đạo của các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp càng lớn thì càng thường xuyên sử dụng kho hàng làm tài sản đảm bảo.

“Do tính chất cố hữu của sản phẩm, tình trạng thế chấp kho hàng cho nhiều ngân hàng rất khó phòng ngừa. Trong hàng tấn, hàng chục nghìn tấn hàng hóa trong kho, ngân hàng không thể biết đâu là tài sản bảo đảm của ngân hàng mình, đâu là cuộn thép của mình, đâu là cuộn thép của ngân hàng khác. Do đó, khi doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, đã dẫn đến cảnh ngân hàng bao vây, chặn lối vào kho hàng”, luật sư Hải nói.

Hiện các ngân hàng sử dụng biện pháp thế chấp đối với hàng hóa tồn kho luân chuyển, tài sản bảo đảm được quản lý tại kho của khách hàng với bảo vệ trông kho do phía ngân hàng thuê hoặc thuê kho của bên thứ ba.

Thực tế, vẫn có vấn đề xảy ra như vụ việc Công ty Đức Hiếu nói trên. VIB chỉ định Công ty Bảo vệ 135 bảo vệ các kho hàng thế chấp mà Công ty Đức Hiếu sử dụng thế chấp. VIB, Công ty Đức Hiếu và Công ty Bảo vệ 135 đã ký hợp đồng ba bên, nhưng cuối cùng hàng hóa vẫn mất, bởi Công ty bảo vệ không triển khai công tác bảo vệ, bỏ mặc cho Công ty Đức Hiếu.

Vì vậy, theo luật sư Trần Minh Hải, để hạn chế rủi ro khi sử dụng biện pháp bảo đảm bằng kho của bên thứ ba, tốt nhất các ngân hàng nên trực tiếp ký hợp đồng với bên cho thuê kho và trực tiếp trả tiền thuê để bảo đảm duy nhất một đầu mối quan hệ, tránh trường hợp ký ba bên như hiện nay, khiến cho bên cho thuê kho chỉ biết đến khách hàng của ngân hàng.

Tin bài liên quan