Mặc dù nhận định năm 2008 là năm đầy khó khăn của nền kinh tế, tuy nhiên những con số báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm vẫn rất ấn tượng. Nhiều DN vẫn duy trì được mức tăng trưởng lợi nhuận cao như chẳng hề có chuyện gì xảy ra. NĐT đang nắm giữ cổ phiếu thì rất tin tưởng vào tương lai sáng lạn. Ấy vậy mà "đùng một cái", chỉ khi kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2008 được công bố, rất nhiều con số âm đã khiến nhiều NĐT phải… giật nảy mình.
Điều đáng nói ở đây là không ít kết quả thua lỗ này không phải chỉ phát sinh trong quý IV mà kéo dài trong cả năm 2008. Tuy nhiên, không biết do căn bệnh thành tích hay sự yếu kém trong điều hành quản lý cùng những hạn chế của chuẩn mực kế toán đã giúp các DN niêm yết lập lờ trong việc công bố thông tin. Bài học về cổ phiếu BBT hay PPC chưa nguôi, thì mới đây những cổ đông của TRI lại ngậm ngùi kêu trời khi cổ phiếu này bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt do bị lỗ 145 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có 75,5 tỷ đồng. Hay như cổ phiếu HSG, lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2008 là 198,4 tỷ đồng thì trong quý IV lại có lợi nhuận âm 116,2 tỷ đồng.
Thậm chí, ngay cả khi kết quả kinh doanh không thể giấu được, có nhiều DN đã lập lờ giữa việc công bố kết quả kinh doanh quý IV bằng việc chỉ công bố kết quả kinh doanh cả năm 2008, để rồi tự hào mình vẫn có lãi, trong khi con số lợi nhuận âm của quý IV là không nhỏ. Điển hình là CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) chỉ công bố báo cáo tài chính cả năm 2008 mà không công bố báo cáo tài chính quý IV. Dựa trên những so sánh giữa số liệu cả năm 2008 và số liệu lũy kế đến hết quý III, NĐT có thể tính ra số liệu lợi nhuận trước thuế quý IV của KBC là âm 334,7 tỷ đồng.
Mặc dù các DN niêm yết đều phải nộp báo cáo kết quả kinh doanh cho HOSE và HASTC, nhưng dường như hai cơ quan quản lý này chưa thực sự sát sao trong việc giám sát chất lượng của những bản báo cáo này. Ngay cả khi chuẩn mực kế toán và các quy định về lập báo cáo kết quả kinh doanh đã được công bố, rất nhiều DN vẫn đưa ra những báo cáo chẳng theo quy chuẩn nào. Nhiều báo cáo thiếu các chỉ tiêu chi tiết, một số khác đảo lộn thứ tự các cột. Có báo cáo chỉ công bố số liệu kỳ báo cáo và lũy kế, báo cáo khác lại công bố kỳ báo cáo và kỳ trước... Vô hình chung, các báo cáo này đã khiến NĐT rơi vào mê hồn trận, bởi không phải ai cũng có kiến thức sâu về kế toán, kiểm toán.
Ngoài ra, rất nhiều DN lấy lý do chưa thu thập được số liệu nên xin hoãn báo cáo kéo dài. Thậm chí, việc chậm nộp báo cáo đã trở thành một tiền lệ mà không thấy DN nào bị cảnh cáo hay phạt tiền!
Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc giám sát việc tuân thủ chế độ báo cáo. Thay vì chỉ đăng nguyên văn báo cáo của DN, cơ quan quản lý cũng nên yêu cầu các DN thực hiện đúng các nội dung chi tiết trong báo cáo để tránh tình trạng lập lờ như hiện nay.
Nên chăng, các tổ chức như Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) cùng các chuyên gia tài chính độc lập có thể phối hợp tổ chức một hội đồng giám sát và cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn của các cổ phiếu niêm yết. Để từ đó có thể đưa ra những cảnh báo kịp thời đến NĐT, để tránh khỏi việc bị "mắc lừa" như hiện nay, chỉ vì những bản cáo cáo thiếu thông tin.