Lấp “khoảng hở” trong quản lý DNNN

Lấp “khoảng hở” trong quản lý DNNN

(ĐTCK) Đề xuất bổ sung quy định mới về quản lý DNNN trong quá trình sửa đổi Luật Doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được sự đồng tình của hầu hết chuyên gia và lãnh đạo DNNN.

Lấp “khoảng hở” trong quản lý DNNN ảnh 1Các DNNN đang quản lý khối lượng tài sản rất lớn của Nhà nước, của dân

 

Tiềm ẩn rủi ro

Một nội dung quan trọng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2013 vừa diễn ra, là Chính phủ cho ý kiến về Đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN” do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày. Ngoài đề xuất thành lập Ủy ban quản lý, giám sát DNNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn kiến nghị thiết kế một chương riêng về DNNN trong quá trình sửa đổi Luật Doanh nghiệp sắp tới.

Trong khi việc thành lập một đầu mối chuyên quản DNNN được Thủ tướng Chính phủ kết luận là tạm thời chưa triển khai do mô hình này chưa nhận được sự đồng thuận cao, nên cần tiếp tục nghiên cứu thêm, thì đề xuất bổ sung một chương về DNNN trong quá trình sửa đổi Luật Doanh nghiệp, nhận được sự đồng tình của không chỉ hầu hết các thành viên Chính phủ, mà còn của cả các chuyên gia và lãnh đạo DNNN.

Sự đồng thuận trên, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, xuất phát từ thực tế là kể từ khi Luật DNNN hết hiệu lực từ 1/7/2010 đến nay, đã bộc lộ không ít “khoảng hở”, thậm chí có biểu hiện lỏng lẻo trong quản lý, giám sát DNNN. Hiện trạng này đặt trong bối cảnh các DNNN đang quản lý khối lượng tài sản rất lớn của Nhà nước, của dân, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro làm thất thoát tài sản đáng quan ngại.

“Từ thực tiễn quản lý, điều hành DNNN cho thấy, kể từ sau thời điểm Luật DNNN hết hiệu lực đến nay, hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động của khối DNNN phần nhiều dựa vào hệ thống Nghị định, nên thiếu sức nặng so với các quy định ở cấp độ luật, trong khi Luật Doanh nghiệp không mấy phát huy hiệu quả trong điều chỉnh hoạt động của DNNN…”, Ủy viên Hội đồng thành viên một DNNN lớn nhìn nhận và lý giải, sở dĩ có tình trạng này là bởi xuất phát từ thực tế, DNNN có đặc thù so với các DN cổ phần, cũng như các loại hình DN khác là Nhà nước là người chủ sở hữu DN. Đề cập ý này không phải là tìm cách bao biện cho những yếu kém của DNNN, mà dù muốn hay không, chính đặc thù này làm phát sinh các tình huống, các mối quan hệ trong hoạt động kinh doanh của khối DNNN, mà bản thân Luật Doanh nghiệp không thể điều chỉnh trực diện và hiệu quả như đối với công ty cổ phần. Chính khoảng hở này đang vừa gây khó cho việc quản lý DNNN, vừa tăng rủi ro trong hoạt động của khối DN này.

 

Luật hóa là cần thiết

Để khắc phục tình trạng lỏng lẻo trong quản lý DNNN, có ý kiến cho rằng, cần tái lập Luật DNNN. Tuy nhiên, theo ông Đức, đề xuất này gây phản cảm, vì Luật này mới được xóa bỏ cách đây 3 năm, hơn nữa bỏ phí nỗ lực tạo sự bình đẳng giữa các loại hình DN trong quá trình hoạt động. Bởi vậy, việc bổ sung một chương riêng quy định về DNNN khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp sắp tới là hợp lý và cần thiết. Trong đó, ngoài quy định chi tiết nhiệm vụ quản lý, giám sát của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cần đưa ra những quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo DNNN hoạt động hiệu quả, minh bạch, chịu sự kiểm tra, giám sát bình đẳng như các loại hình DN khác.

Tuy nhiên, ông Đức lưu ý ba vấn đề. Đầu tiên, những nội dụng mới đưa vào Luật sửa đổi cần tránh đưa ra những quy định nhằm mang lại đặc quyền, đặc lợi cho DNNN, cũng như tránh tạo ra sự phân biệt, đối xử về điều kiện, môi trường kinh doanh… so với các loại hình DN khác. Nói cách khác, việc bổ sung quy định mới về DNNN, phải vừa nhằm quản lý, giám sát hiệu quả hơn hoạt động của khối DN này, đồng thời vẫn đảm bảo tạo sự bình đẳng tối đa giữa các loại hình DN.

Thứ hai, Bộ Tài chính đang trong quá trình xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào DN, nên cần lưu lý tránh tạo ra sự chồng chéo với nội dung của chương quy định riêng về DNNN trong Luật Doanh nghiệp.

Thứ ba, để giảm gánh nặng cho quản lý, giám sát DNNN, Chính phủ cần thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DNNN nhanh hơn.

“Việc bổ sung một chương riêng về DNNN trong Luật Doanh nghiệp là cần thiết, nhằm khắc phục những bất cập của hành lang pháp lý hiện hành về quản lý, giám sát DNNN”, ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam nêu quan điểm, đồng thời cho rằng, khi bổ sung nội dung mới này, cần đặc biệt lưu ý đến tính đặc thù trong hoạt động của DNNN, để đảm bảo tính khả thi.