Chốt “công thức” tính room
Thực tế trên thị trường chứng khoán hiện nay, cũng như phản ánh từ các nhà đầu tư cho thấy, đang có tình trạng không thống nhất và gây băn khoăn cho các thành viên thị trường khi chốt room ngoại ở các doanh nghiệp niêm yết.
Đơn cử, cùng là doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, kinh doanh điện thương phẩm, nhưng có nơi áp dụng room 0%, có nơi áp dụng tới 49%; cùng là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nơi áp dụng room 20%, đơn vị khác lại áp dụng 49%, cùng là doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu lao động, nơi áp dụng 0%, nơi công bố 49%...
Trong bản kiến nghị gửi tới các cơ quan quản lý cũng như Diễn đàn, nhóm công tác thị trường vốn đề xuất áp dụng công thức thống nhất về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong công ty đại chúng.
Cụ thể, đây là tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp có quyền biểu quyết của tất cả nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% trở lên; áp dụng 49% đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài; áp dụng 100% trừ khi điều ước quốc tế hoặc pháp luật chuyên ngành hoặc điều lệ công ty có hạn chế.
Giải pháp về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) mà Đầu tư Chứng khoán đã ghi nhận từ thị trường và phản ánh trong loạt bài cũng được các nhà đầu tư nước ngoài tập trung đề xuất ở diễn đàn này.
Họ mong muốn, Việt Nam sẽ luật hóa việc phát hành NVDR. Công cụ này giải quyết được 2 vấn đề là Chính phủ vẫn hạn chế được tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định của luật hiện hành và điều ước quốc tế; đồng thời không làm thay đổi địa vị pháp lý (nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài) của doanh nghiệp khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài vượt quá 51%.
Công cụ này cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các công ty đại chúng, công ty niêm yết khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã đạt mức tối đa.
“Luật Chứng khoán cần luật hóa quyền biểu quyết của tổ chức nắm giữ NVDR, phát hành quản lý và tổ chức thị trường giao dịch đối với NVDR”, các nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị.
Hạn chế nghịch lý thị trường bằng sửa Luật Chứng khoán
Trọng tâm sửa đổi Luật Chứng khoán trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài là cần làm rõ phạm vi sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán.
Hiện nay, Luật Đầu tư điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và yêu cầu mọi hoạt động mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến sở hữu nước ngoài từ 51% trở lên đều phải đăng ký, bất kể công ty đó là công ty đại chúng hay không đại chúng.
Cũng theo Luật Đầu tư, mọi công ty có sở hữu nước ngoài từ 51% trở lên phải đáp ứng điều kiện và thủ tục đầu tư như nhà đầu tư nước ngoài. Còn Luật Chứng khoán điều chỉnh hoạt động chào bán chứng khoán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, dịch vụ về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Bất cập lộ rõ ở đây khi có sự chồng chéo, không thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán về địa vị pháp lý của các công ty đại chúng (bao gồm cả công ty niêm yết và chưa niêm yết) có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 51%.
Điểm mấu chốt là tỷ lệ sở hữu của những công ty này có thể thay đổi hàng ngày, hôm trước trên 51% ngày hôm sau dưới 49%. Như vậy, quy định yêu cầu mọi hoạt động mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến sở hữu nước ngoài từ 51% trở lên đều phải đăng ký là khó có thể thực hiện được.
Trước thực tế như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị, quy định rõ ràng giới hạn, phạm vi điều chỉnh của Luật Chứng khoán bằng việc thêm vào phạm vi điều chỉnh của Luật Chứng khoán “Sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và quỹ đầu tư, điều kiện và thủ tục đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và quỹ đầu tư”.
Cụ thể hơn, các nhà đầu tư ngoài gợi ý bằng quy định: “Luật này quy định các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán, tổ chức và hoạt động của thị trường chứng khoán, quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và quỹ đầu tư, điều kiện và thủ tục đầu tư, góp vốn mua cổ phần phần vốn góp tại công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và quỹ đầu tư.
Khi có xung đột pháp luật về sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và quỹ đầu tư, điều kiện và thủ tục đầu tư chứng khoán, góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp tại công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và quỹ đầu tư, Luật Chứng khoán được ưu tiên áp dụng”.