Liên quan đến vụ án này còn có các bên liên quan gồm Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đông Anh, Ngân hàng Quốc dân NCB. Phiên tòa được mở do Văn phòng công chứng Khúc Khải Hoàn và NCB kháng cáo bản án sơ thẩm.
Hợp đồng chuyển nhượng giả tạo
Theo đơn khởi kiện, vợ chồng bà Ngô Thị L. và Nguyễn Văn Th. được bố mẹ di chúc để lại diện tích đất hơn 600 m2 tại thôn Mỹ Nội, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội. Vợ chồng bà L. đã làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất nhưng để ông Th. đứng tên trên sổ đỏ. Quá trình sử dụng, vợ chồng bà đã xây dựng căn nhà cấp 4 lợp tôn diện tích 60 m2. Thực chất đây là tài sản chung của hai vợ chồng.
Do ông Th. kinh doanh nên có nhu cầu vay tiền. Biết chuyện, ông Vũ Thanh S. hứa hẹn cho vợ chồng ông Th. vay 80 triệu đồng và hứa giúp ông Th. vay vốn ngân hàng. Theo thỏa thuận, ông Th. đã đưa cho ông S. sổ đỏ, sổ hộ khẩu và CMND. Cầm giấy tờ trên, ông Sơn không mang đi thế chấp ngân hàng mà ngày 31/10/2016 đến Văn phòng công chứng Khúc Khải Hoàn làm thủ tục chuyển nhượng nhà đất trên từ ông Th. sang ông S.
Ông Th. cho rằng vì thiếu hiểu biết và tin tưởng ông S. nên ông Th. đã ký tên, điểm chỉ chuyển nhượng diện tích hơn 400 m2 cho ông S. Sau đó, ông S. làm thủ tục đăng ký biến động nhà đất.
Ngày 5/11/2016, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đông Anh nhận hồ sơ đăng ký biến động đất giữa ông Th. và ông S. Con trai ông Th. có đơn đề nghị dừng giao dịch trên. Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đông Anh có công văn trả lời, hướng dẫn các bên liên quan đến tòa án giải quyết theo thẩm quyền.
Hơn 1 tháng sau, Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đông Anh tiếp tục làm việc với các bên, yêu cầu xuất trình chứng cứ nhưng các bên không cung cấp được. Ngày 16/12/2016, Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đông Anh báo cáo UBND huyện Đông Anh, xin ý kiến chỉ đạo nhưng không nhận được văn bản. Do đó, Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đông Anh đã đăng ký biến động thửa đất trên.
Sau khi đứng tên thửa đất trên, ngày 10/2/2017, ông S. đã thế chấp nhà đất cho NCB.
Do đó, bà L. khởi kiện ra tòa án, yêu cầu hủy hợp đồng công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Th. và ông S.; hủy nội dung đăng ký biến động nhà đất sang ông S.
Theo bà L., Văn phòng công chứng Khúc Khải Hoàn vi phạm Luật Công chứng năm 2015 như công chứng khi chưa đủ thành viên là đồng sở hữu; ký hợp đồng công chứng ngoài trụ sở; hình thức và nội dung hợp đồng có khuất tất vì giá trên hợp đồng là 100 triệu đồng. Bà L. cho rằng đây là số tiền ông S. cho ông Th. vay.
Năm 2019, TAND TP Hà Nội đã chấp nhận đơn khởi kiện của bà L., hủy hợp đồng công chứng và hợp đồng thế chấp.
Không đồng ý bản án trên, Văn phòng công chứng Khúc Khải Hoàn và ngân hàng đã kháng cáo lên tòa phúc thẩm.
Công chứng “nhắm mắt làm ngơ”?
Tại tòa, đại diện Văn phòng công chứng Khúc Khải Hoàn khẳng định, việc công chứng chứng thực hợp đồng chuyển nhượng là đúng pháp luật. Hồ sơ các bên cung cấp có đầy đủ giấy tờ gồm sổ đỏ, văn bản khai nhận thừa kế, phân chia tài sản, CMND, sổ hộ khẩu. Do đó, Văn phòng công chứng Khúc Khải Hoàn xác định đây là tài sản riêng của ông Th.
“Vậy Văn phòng công chứng Khúc Khải Hoàn có căn cứ vào Luật Hôn nhân và Gia đình không? Có xác minh hộ khẩu không? Có thể có nhập tài sản riêng vào tài chung thì sao?”, thẩm phán hỏi.
Đại diện Văn phòng công chứng Khúc Khải Hoàn cho biết đã không xác minh.
Luật sư của bà L. cho rằng, căn nhà trên là nơi ở duy nhất của hai vợ chồng. Mặt khác, giá trị chuyển nhượng 100 triệu đồng là không phù hợp với giá đất trên thị trường.
Còn Ngân hàng NCB khẳng định đã thẩm định, đăng ký giao dịch bảo đảm đúng quy định. Ngân hàng cũng cho rằng, tòa sơ thẩm xử vượt quá yêu cầu khởi kiện, bởi vì trong đơn khởi kiện, bà L. không yêu cầu hủy hợp đồng thế chấp.
Ý kiến của ngân hàng được tòa phúc thẩm chấp thuận, hủy nội dung này để tòa sơ thẩm giải quyết lại.
Ngoài ra, tòa phúc định giữ nguyên quyết định của án sơ thẩm về việc hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà đất ngày 31/10/2016 do xác định đây là giao dịch giả tạo nên bị vô hiệu.