Truyền thông tài chính: Nhiễu loạn là mất tiền
Tại buổi gặp gỡ báo chí gần đây, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhấn mạnh rằng, sự đồng hành của các cơ quan báo chí, truyền thông luôn là nguồn sức mạnh to lớn để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nói riêng.
Theo ông Đính, trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với phóng viên, nhà báo đôi khi khó tránh việc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” vì đăng tải thông tin có thể gây bất lợi cho doanh nghiệp, nhưng về cơ bản, báo chí luôn có “đất” cho các doanh nghiệp chia sẻ thông tin, bày tỏ những khó khăn, vướng mắc hay đưa ra đề xuất tới cơ quan quản lý nhà nước.
Không khó để thấy, thị trường bất động sản đã và đang đối mặt với nhiều vấn đề: Dự án mới gặp khó trong việc cấp phép, dự án hiện hữu không thể triển khai tiếp do còn vướng thủ tục pháp lý, dẫn đến nguồn cung sản phẩm khan hiếm, giá bất động sản từ đó có cơ hội “nhảy múa”… và chính sự lên tiếng của các đơn vị báo chí, truyền thông đã giúp các cơ quan quản lý có cái nhìn sâu hơn vấn đề, từ đó đề ra các giải pháp gỡ khó cho thị trường. Vì vậy, doanh nghiệp cũng cần có sự nhìn nhận đúng đắn hơn và tận dụng tốt hơn việc tiếp cận truyền thông báo chí chính thống.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam - Tổng giám đốc G-Home, việc chủ động tiếp cận báo chí, truyền thông là điều rất cần thiết bởi doanh nghiệp nào cũng có những khó khăn và không phải khó khăn nào cũng có thể “giãi bày”. Lúc này, báo chí đóng vai trò là “cầu nối” giữa doanh nghiệp với khách hàng, cổ đông, cơ quan quản lý…, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Thực tế, khủng hoảng truyền thông có nhiều dạng thức, thậm chí xuất phát từ chính việc… xử lý khủng hoảng. Trong thời đại mà công chúng dễ dàng bày tỏ quan điểm thông qua mạng xã hội, khủng hoảng bắt đầu từ suy nghĩ và nhận thức không đầy đủ của công chúng về sự cố và đối tượng gây ra nó. Hiểu sai điều này, doanh nghiệp sẽ không thể xử lý dứt điểm khủng hoảng và không thể vạch ra hướng quản trị các sự cố truyền thông trong tương lai.
Cũng thường thấy, khi bị đặt dưới áp lực của búa rìu dư luận, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp có xu hướng lảng tránh, thoái thác và hy vọng rằng, một vài lời lẽ xoa dịu sẽ giải quyết được vấn đề. Đến khi buộc phải đối diện với thiếu sót, họ lại cố tình giấu đi những chi tiết nghiêm trọng nhất, hoặc nhận lỗi một cách miễn cưỡng. Những phản ứng này đều có thể hiểu được bởi bản năng con người là như vậy.
Tuy nhiên, cuộc sống vốn khắc nghiệt, nếu không phản ứng kịp thời thì tình hình sẽ chỉ tồi tệ hơn và doanh nghiệp sẽ bị coi là vô trách nhiệm, thiếu quan tâm đến khách hàng, cộng đồng. Khi đó, một giải pháp thường thấy là doanh nghiệp “vung tiền” cho nhiều công ty truyền thông xử lý và khắc phục hậu quả.
Theo giám đốc một doanh nghiệp địa ốc lớn tại Hà Nội, chưa biết cách thức trên hiệu quả ra sao, nhưng nếu nhìn ở góc độ chi phí, ắt hẳn doanh nghiệp “mất nhiều hơn được”. Bởi nếu các ông chủ doanh nghiệp nhận thức đầy đủ hơn và chủ động đề phòng rủi ro từ sớm, chẳng hạn lập kế hoạch phòng ngừa khủng hoảng, tập huấn và thực hành định kỳ, tăng cường đầu tư cho công tác truyền thông, giám sát các hoạt động vận hành và tuân thủ… thì có lẽ họ sẽ không bị rơi vào thế “bị động”, không phải mất nhiều chi phí để xử lý các cuộc khủng hoảng như vậy.
Thị trường càng lớn, truyền thông chính thống càng quan trọng
Báo chí luôn có “đất” cho các doanh nghiệp chia sẻ thông tin, bày tỏ những khó khăn, vướng mắc hay đưa ra đề xuất tới cơ quan quản lý nhà nước.
Các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản… vốn rất nhạy cảm với thông tin, do đó, truyền thông chính thống trở nên vô cùng quan trọng nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của những tin đồn thất thiệt, đồng thời nâng cao khả năng phòng ngừa, phát hiện, cảnh báo sớm và xử lý các nguy cơ về mất an toàn thông tin.
Lấy việc lập báo cáo thường niên của các doanh nghiệp làm dẫn chứng. Đây là một bản báo cáo toàn diện về các hoạt động của doanh nghiệp niêm yết trong một năm trước đó, cũng là ấn phẩm thể hiện rõ “đẳng cấp” của doanh nghiệp. Một báo cáo thường niên được trình bày khoa học, đẹp mắt và chuẩn mực sẽ không chỉ mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp và bạn đọc, mà còn là hàng rào phòng ngừa tình trạng mất kiểm soát khi có khủng hoảng truyền thông.
Tuy vậy, nếu quan sát kỹ có thể thấy, nhiều doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán còn chưa chú trọng vào công tác lập báo cáo, thậm chí báo cáo rất sơ sài, không có diễn giải đầy đủ cho cổ đông và nhà đầu tư hiểu rõ về doanh nghiệp và việc này có thể sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, chẳng hạn như việc huy động vốn.
Giai đoạn trước đây, các “tân binh” như Hải Phát Invest, Văn Phú Invest, Danh Khôi, An Gia Invest… được đánh giá cao về hoạt động IR (quan hệ công chúng) khi thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ nhà đầu tư để chia sẻ thông tin về doanh nghiệp, dự án, sự minh bạch cũng được thể hiện rõ qua việc thực hiện chỉn chu báo cáo thường niên…, thế nhưng sau một thời gian đã không còn giữ được “phong độ” và dần “khép cửa” truyền thông trở lại. Hệ quả là khi khủng hoảng xảy ra, các doanh nghiệp này loay hoay trong việc tìm kiếm sự tín nhiệm của nhà đầu tư.
Đơn cử như trường hợp của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã HPX), doanh nghiệp này vừa công bố kế hoạch phát hành 152 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1 (tương đương mỗi cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ được quyền mua 1 cổ phiếu phát hành thêm). Cổ phiếu được tự do chuyển nhượng, giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu, thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Tuy nhiên, tính khả thi của kế hoạch này đang để ngỏ khi thị giá cổ phiếu HPX thấp hơn giá chào bán tới 40%, đồng thời toàn bộ số tiền (thu về nếu phát hành thành công) đều để thanh toán nợ trái phiếu và nợ vay ngân hàng, chứ không phải phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên 2024, Ban lãnh đạo Hải Phát Invest đề xuất kế hoạch tham vọng phát hành 307,2 triệu cổ phiếu, tổng giá trị phát hành theo mệnh giá gần 3.073 tỷ đồng, một phần để thanh toán nợ nần (phương án phát hành 152 triệu cổ phiếu nêu trên), phần còn lại để đầu tư vào các dự án. Trong đó, đáng chú ý là 450 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành sẽ được dành để góp vốn vào công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xanh Kỳ Sơn, cổ đông chi phối tại Công ty TNHH Đảo Ngọc Xanh Kỳ Sơn, chủ đầu tư dự án Đảo Ngọc - Hòa Bình, hiện đang nằm trong danh sách Top đầu nợ thuế đất tại Hòa Bình với số tiền lên tới gần 1.000 tỷ đồng.
Song, điều đáng nói là trong các thông tin công bố cho cổ đông và nhà đầu tư, hay tại báo cáo thường niên 2023 đều gần như không có những thông tin mang tính trọng yếu này. Thậm chí, ở kỳ đại hội cổ đông vừa qua, theo phản ánh của nhiều cổ đông khi nhắc đến vấn đề này, Ban lãnh đạo Hải Phát Invest chỉ trả lời rất chung chung.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, diễn biến của thị trường chứng khoán là điều kiện cần để các doanh nghiệp tính toán lên sàn sao cho phù hợp với mục tiêu huy động vốn, còn điều kiện đủ - cũng là điều kiện quan trọng nhất, đó là chất lượng doanh nghiệp có đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư hay không. Trong đó, doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường vốn, huy động được vốn trên thị trường chứng khoán thì phải minh bạch và để minh bạch cần có hệ thống quản trị chuyên nghiệp, bài bản.
“Khi đầu tư vào cổ phiếu bất động sản, nhà đầu tư không chỉ nhìn vào doanh thu, lợi nhuận hàng năm, mà còn là tính hiệu quả của từng dự án và giá trị quỹ đất đang sở hữu. Doanh nghiệp nào đáp ứng được các tiêu chí này sẽ giành nhiều lợi thế trong việc thu hút vốn từ thị trường”, ông Hiếu nhấn mạnh.