Cần thêm nhiều CTTC…
Sự hiện diện của các CTTC sẽ giúp thị trường tài chính tại Việt Nam phát triển tích cực và lành mạnh hơn. Vai trò của các CTTC là cần thiết và mang tính tất yếu, nhằm giúp các đối tượng khách hàng chưa được ngân hàng phục vụ tiếp cận các dịch vụ tài chính được pháp luật bảo vệ, cũng như giúp giảm vấn nạn cho vay nặng lãi hay “tín dụng đen” đã tồn tại suốt thời gian dài.
Về vấn đề lãi suất, chúng ta đừng nhầm lẫn khi so sánh lãi suất vay tại các CTTC với lãi suất ngân hàng, vì đặc thù các sản phẩm vay của hai kênh này là hoàn toàn khác nhau. Nếu so sánh với các CTTC tương tự tại các nước khác, thì mức lãi suất của các CTTC tại Việt Nam đang áp dụng là tương tự hoặc thấp hơn. Nếu xét đúng theo nhu cầu vay, mức lãi suất tại các CTTC so với các lãi suất phi ngân hàng khác thì không cao. Vì vậy, cần có sự so sánh công bằng hơn khi bàn về vấn đề này.
Nếu đánh giá ở phương diện rủi ro, thì rủi ro trong cho vay tiêu dùng của các CTTC sẽ cao hơn các TCTD khác, bởi đối tượng khách hàng thường là nhỏ, nên nhiều khi các TCTD khác “chê”. Rủi ro nợ xấu của loại hình tín dụng tiêu dùng được các CTTC triển khai là khó tránh khi điều kiện tín dụng, cũng như thời gian giải ngân khá nhanh gọn, chỉ trong vòng 15 - 20 phút. Như vậy, nếu không quản trị được rủi ro và quản lý được khách hàng, thì việc nợ xấu tăng là điều hiển nhiên, kể cả với các CTTC lớn.
Nói cho vay ngân hàng lãi suất thấp hơn CTTC là so sánh khập khiễng, vì sản phẩm không giống nhau. Chính ngân hàng cũng đã phát hiện ra mảng bán lẻ và này đi vào các chợ, khu công nghiệp, nhà trọ công nhân..., song họ không đi sâu vào lĩnh vực này, vì không chấp nhận rủi ro. Rủi ro cao hơn thì lãi suất cũng cao hơn, đó là lĩnh vực của CTTC khai thác.
Chúng ta phải sòng phẳng với người dân. Chẳng hạn, khi mua điện thoại tại các shop có hoạt động cho vay tiêu dùng, họ phải biết tại sao họ vay được và vì sao quyết định vay, bởi họ cần chiếc điện thoại đó. Ngay cả bên Mỹ, họ cũng rất lo lắng về xã hội tiêu dùng. Như vậy, với CTTC nếu quá chặt chẽ về thủ tục, trong khi các công ty khác thoáng hơn, họ sẽ thua trong cuộc cạnh tranh này.
Nhiệm vụ của truyền thông là kịp thời đánh giá hoạt động của các CTTC để chỉ cho người dân biết những đơn vị hoạt động không bình thường. Vấn đề không phải lãi suất rẻ hay đắt, mà số tiền vay có hợp lý hay không? Phải truyền thông cho người dân biết về quản trị tiêu dùng cá nhân. CTTC cho vay mua hàng trả góp thường có “tay ba”: công ty cung cấp vốn, nhà sản xuất và công ty bán hàng. Nếu người bán hàng chọn những nhà sản xuất tốt, công ty cung cấp vốn và công ty bán hàng dịch vụ tốt, và mối quan hệ làm việc "tay ba" này chặt chẽ, người dân dù chịu lãi suất cao hơn đôi chút nhưng sẽ được hưởng lợi nhờ sự chất lượng.
Lãi suất cho vay tiêu dùng tín chấp sẽ chỉ giảm xuống khi thị trường xây dựng được đầy đủ lịch sử tín dụng của khách hàng. Một khi quy chế, quy định được phát triển đầy đủ, nhằm bảo vệ quyền lợi bên cho vay, hoạt động của các CTTC mới trở nên hiệu quả hơn, để giảm bớt chi phí vận hành. Hiện nhiều ngân hàng đã mua lại CTTC và chuyển đổi công năng, cho ra đời các CTTC, thì buộc các CTTC cũng phải tính lại lãi suất trong thời gian tới.
Những chuyện chúng ta đang lo lắng so với những gì chúng ta có rất nhỏ, vì người dân đã quen với việc cho vay này. Lúc nào người dân cũng muốn thủ tục nhanh, ngược lại, CTTC cho vay cũng muốn an toàn. Ở Nhật, vay tín chấp chỉ thông qua một cái máy, một người tới chỉ cần nhập dữ liệu, sau 15 phút sẽ được vay. Việc này cũng có thể làm được ở Việt Nam.
… để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng
Với khoản vay nhỏ, phần lớn người vay không muốn và quan trọng hơn hết là không đủ điều kiện để vào ngân hàng làm hồ sơ thủ tục vay. Thậm chí, có những người không muốn người khác biết mình đi vay nên đã tìm đến “tín dụng đen” để nhờ hỗ trợ vốn. Chính vì thế, “tín dụng đen” mới phát triển suốt nhiều năm nay, dù cho lãi suất “cắt cổ”.
Do vậy, để phát triển thị trường vay tiêu dùng tín chấp tích cực nhất, thị trường buộc phải có CTTC và cần thêm nhiều CTTC tham gia để đáp ứng cầu tín dụng tiêu dùng ngày một gia tăng.
Thực tế cho thấy, việc xuất hiện những trường hợp khiếu kiện liên quan đến CTTC không phải là mới. Trước đây, người vay không có “cửa” để kiện những người cho vay “tín dụng đen”. Nếu có khởi kiện, thì những người cho vay “tín dụng đen” không bị quy vào hành động cho vay trái phép, mà là kinh doanh trái phép. Thế nên, không có hình thức thưởng - phạt đối với hình thức cho vay này.
Hiện tại, khi CTTC phát triển và chịu sự kiểm soát của NHNN, việc kiện tụng, tranh chấp cũng xuất hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, khi tranh chấp xảy ra, lỗi phần lớn lại thuộc về khách hàng do không đọc kỹ hợp đồng, cũng như không cân nhắc được nguồn trả nợ của mình, chứ không xuất phát từ CTTC.
Hiện Thông tư 12/2010/TT-NHNN cho phép các TCTD, kể cả CTTC cho vay theo lãi suất thỏa thuận, tức người cho vay và đi vay sẽ thỏa thuận lãi suất với nhau. Vì thế, để tự bảo vệ mình, người đi vay cần tìm hiểu cặn kẽ về khoản vay trước khi đặt bút ký hợp đồng. Đồng thời, cần yêu cầu đơn vị cung ứng vốn tư vấn kỹ về lãi suất phải trả, cũng như phương thức trả nợ cả vốn và lãi vay.
Giới trẻ Việt thường không để dành đến khi đủ tiền mới mua một món đồ công nghệ nào đó, bởi theo họ, nếu để tiền sẽ dần tiêu hết, hoặc là không đủ kiên nhẫn cho việc để dành, hay nếu có dành dụm đến khi đủ tiền thì món đồ đó là lỗi mốt...
Song quan trọng nhất, khách hàng cần cân nhắc khả năng tài chính của mình có phù hợp mức lãi suất vay tiêu dùng phải trả hay không? Hiểu rõ về quyền và trách nhiệm của mình, tính toán và dự trù cẩn thận khả năng thanh toán hàng tháng sẽ giúp người đi vay tận dụng tốt nhất các lợi ích từ vay tiêu dùng tín chấp, cũng như tránh được các hiểu lầm không đáng có và nhất là rủi ro không trả được nợ.
Tuy nhiên, CTTC phải có phương pháp để người dân nắm kỹ được nội dung hợp đồng, giúp nâng cao hơn nữa các kiến thức và hiểu biết luật pháp về tài chính cá nhân cho người dân. Đồng thời, các CTTC cũng cần phải đơn giản hóa các nội dung trong hợp đồng, cải thiện các dịch vụ tư vấn của mình, nhằm giúp khách hàng hiểu rõ hơn về quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình đối với các khoản vay. Bản thân các CTTC phải công khai lãi suất cho vay để người vay có thể quyết định được ngay.
Thực tế cho thấy, giới trẻ Việt thường không để dành đến khi đủ tiền mới mua một món đồ công nghệ nào đó, bởi theo họ, nếu để tiền sẽ dần tiêu hết, hoặc là không đủ kiên nhẫn cho việc để dành, hay nếu có dành dụm đến khi đủ tiền thì món đồ đó là lỗi mốt... Do đó, vay tiêu dùng chính là nhằm thỏa mãn nhu cầu của những khách hàng nói trên.
Hành vi tài chính cá nhân phải đáp ứng thuộc tính xã hội. Chúng ta đang từ một xã hội nông nghiệp, dần dần tiến tới xã hội công nghiệp. Với tiến trình mức lương trung bình như hiện nay, nhu cầu vay tiêu dùng cá nhân sẽ phát triển mạnh. Nhiệm vụ đặt ra là phải bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các NHTM và thị trường tài chính cho vay tiêu dùng.
Bởi người dân vẫn phải vay vì nhu cầu mua sắm, tiêu dùng là tất yếu. Đối với doanh nghiệp nhỏ, họ cũng không muốn vào ngân hàng vay khoản tiền nhỏ khi vướng thủ tục phức tạp. Trong khi đó, CTTC luôn có thị trường và họ có quyền quyết định lãi suất cho vay sao phù hợp với sản phẩm. Đứng về phía người tiêu dùng, tôi khẳng định rằng, họ đang bị nhầm lẫn giữa lãi suất vay tại CTTC với lãi suất NHTM, nên mới so sánh bên thấp bên cao. Còn nếu xét đúng nhu cầu, sản phẩm người dân đang vay tại CTTC so với lãi suất phi ngân hàng là không cao. Thế nên, chuyện vay tiêu dùng của người dân bây giờ quan trọng nhất vẫn là dòng tiền trả nợ.
Lấy ví dụ, bà bán bún vay lãi suất 2%/tháng, tức 24%/năm, vẫn có thể trả được, nhưng doanh nghiệp vay 10%/năm có thể không trả được. Nói như vậy để thấy, vay lãi suất lớn để đầu tư thì khác, còn việc vay tiêu dùng tín chấp nhỏ lẻ thì lãi suất vay cao là có thể chịu được. Tất nhiên, trong cho vay tiêu dùng có thể có chệch choạc. Nhân viên bán hàng nôn nóng đạt chỉ tiêu, không tư vấn kỹ cho khách hàng nên mới xảy ra những tranh chấp không đáng có, còn trên thực tế, lãi suất không phải là yếu tố quyết định.
Một số ngân hàng đã và đang bắt đầu mua lại các CTTC đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, thực hiện tham vọng trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu. Đặc biệt, nếu Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của CTTC được ban hành thì vấn đề trên càng trở nên nóng hơn.
Tuy nhiên, muốn thành lập mới hoặc mua lại một CTTC, ngân hàng phải có tối thiểu vài trăm tỷ đồng. Trong khi các nhà băng quy mô nhỏ, vốn thấp đang phải gồng mình để đẩy mạnh tái cấu trúc, xử lý nợ xấu. Vì thế, các ngân hàng nhỏ khó có thể đáp ứng việc mua lại hoặc thành lập CTTC mới.
Mặt khác, để thành lập một CTTC mới phải mất một thời gian dài, trong khi các ngân hàng đều có khối tín dụng cá nhân và hoạt động cho vay tiêu dùng vốn cũng đã được đẩy mạnh. Ngoài HDBank hay VPBank, MB, SHB, Maritime Bank, Techcombank đã mua lại CTTC và chuyển đổi mô hình, công năng hoạt động, đến nay vẫn chưa có thêm thương vụ M&A nào giữa ngân hàng và CTTC hay ngân hàng thành lập mới CTTC, cho dù không ít nhà băng đã trình ĐHCĐ phương án cho ra đời CTTC (Sacombank, ACB).
TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia ngân hàng