Năm 2018, Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (Vietnam Annual Report Awards) được đổi tên thành Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (Vietnam Listed Company Awards). Điểm mới nổi bật năm nay đó là đối tượng tham gia cuộc bình chọn bao gồm các doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), thuộc rổ chỉ số VNX-Allshare và được chia thành 3 nhóm theo quy mô vốn hóa thị trường (lớn, vừa và nhỏ), thay vì chấm toàn bộ như mọi năm, nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có quy mô vốn vừa và nhỏ tham gia cạnh tranh giải và có cơ hội được tôn vinh.
Đối với giải báo cáo thường niên năm nay, các báo cáo hợp lệ là những báo cáo thuộc năm tài chính 2017, được công bố chính thức và nộp đúng hạn theo quy định hiện hành cho Sở giao dịch chứng khoán, đồng thời doanh nghiệp không bị xử lý về công bố thông tin từ mức độ “nhắc nhở trên toàn thị trường” trở lên.
Cuộc bình chọn được thực hiện một cách nghiêm túc và khắt khe với 2 vòng chấm sơ khảo và chung khảo. Bộ câu hỏi chấm năm nay có tổng số 105 câu, bao gồm 10 câu cho phần hình thức và 95 câu hỏi nội dung xoay quanh các vấn đề về tình hình chung của công ty, tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh trong năm, các báo cáo tác động liên quan đến môi trường và xã hội, đánh giá của ban giám đốc, hội đồng quản trị, ban kiểm soát...
Cấu thành điểm của một báo cáo gồm 25% tổng điểm cho phần hình thức (tối đa là 19 điểm) và 75% tổng điểm cho phần nội dung báo cáo (tối đa là 104 điểm). Bộ câu hỏi chấm năm nay có bổ sung một số câu hỏi liên quan đến môi trường, ví dụ: mức năng lượng tiết kiệm được thông qua các sáng kiến sử dụng năng lượng hiệu quả, hệ thống quản lý môi trường (EMS) được cơ quan kiểm định chấp thuận, đánh giá rủi ro/tác động giữa hoạt động cốt lõi của công ty với môi trường, hệ thống xử lý nước thải, rác nội bộ, chất thải rắn…
Dựa trên danh sách đề cử vào vòng chung khảo của các Sở giao dịch chứng khoán, Ban tổ chức mời 4 công ty kiểm toán hàng đầu là Deloitte, EY, KPMG và PWC thực hiện soát xét lại kết quả chấm sơ khảo.
Đối với HNX, năm nay có 180 doanh nghiệp niêm yết đủ điều kiện như Ban tổ chức đưa ra để tham gia chấm giải. Trong Top 30 doanh nghiệp niêm yết lọt vào vòng chung khảo, có 4 doanh nghiệp thuộc nhóm quy mô lớn, 6 doanh nghiệp thuộc nhóm quy mô vừa và 19 doanh nghiệp thuộc nhóm quy mô nhỏ. Trong số đó, một số doanh nghiệp có số điểm chấm sơ khảo báo cáo thường niên cao ở cuộc bình chọn năm ngoái tiếp tục có mặt trong danh sách năm nay như BVS, ACB, VCS, PGS, NTP, TNG, SHS, SHB...
Các doanh nghiệp niêm yết có điểm chấm sơ khảo báo cáo thường niên cao không những nắm chắc các quy định hiện hành liên quan đến hướng dẫn lập báo cáo thường niên, mà còn hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong lập báo cáo thường niên, đồng thời biết chú trọng, đầu tư cả về chất lượng nội dung và hình thức báo cáo. Ngoài việc lập báo cáo thường niên theo mẫu và theo hạn nộp đúng quy định, các doanh nghiệp còn chú trọng đến việc đầu tư về hình thức.
Cuộc bình chọn được thực hiện nghiêm túc qua vòng sơ khảo và chung khảo
Đối với những doanh nghiệp này, báo cáo thường niên không chỉ đơn thuần là một báo cáo mô tả về doanh nghiệp, về những điều mà doanh nghiệp đã làm, đã đạt được trong năm, mà còn được nâng lên như một ấn phẩm mang đầy nhiệt huyết nhằm giới thiệu, quảng bá tới toàn bộ nhà đầu tư, tới thị trường, tới đối tác về hình ảnh một doanh nghiệp năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp và tin cậy. Trong báo cáo thường niên có thể thấy slogan, thông điệp của báo cáo, định hướng mà doanh nghiệp muốn hướng đến. Điều này không chỉ khiến cho báo cáo trở nên hấp dẫn, thú vị, mà còn thể hiện sự chân thành, tôn trọng các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít doanh nghiệp cho rằng, việc lập báo cáo thường niên đơn giản chỉ để cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý theo quy định tại Thông tư 155/2015/TT-BTC, các thông tin chỉ cần điền theo đúng mẫu quy định, thậm chí có báo cáo được viết theo dạng gạch đầu dòng rất giản tiện. Do vậy, mặc dù có thể đúng mẫu, nhưng những thông tin chứa đựng trong báo cáo thường niên đó rất sơ sài và nghèo nàn, không phản ánh được những gì mà công ty đang làm và muốn hướng đến.
Một số thông tin về chiến lược trung và dài hạn của công ty, những rủi ro công ty có thể gặp phải, phân tích nguyên nhân dẫn đến việc đạt/không đạt được kế hoạch đề ra, một số các vấn đề liên quan đến môi trường... chưa được nêu một cách chi tiết trong báo cáo thường niên. Có thể do tâm lý của doanh nghiệp còn e ngại, chưa muốn chia sẻ thông tin, hoặc doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, hoặc doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn, không muốn đề cập đến tình hình sản xuất - kinh doanh không được như mong muốn.
Vì vậy, phần chấm này thường đạt điểm không cao và cũng không nhiều doanh nghiệp phân tích cụ thể những nội dung đó. Cũng như năm ngoái, một phần mà các doanh nghiệp cũng dễ bị mất điểm là về các nội dung trọng yếu trong báo cáo đánh giá của ban giám đốc. Cụ thể, thiếu đánh giá hoặc chưa có đánh giá, phân tích chuyên sâu về hiệu quả sử dụng tài sản, các khoản phải thu xấu, phải trả xấu và tài sản xấu, ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá hối đoái đến kết quả kinh doanh, ảnh hưởng của chênh lệch lãi vay, phương án phát triển ngắn, trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, nhiều báo cáo có nội dung về tác động đến môi trường và xã hội chưa đầy đủ. Đây vẫn là một điểm yếu của nhiều doanh nghiệp niêm yết trên HNX khi chưa biết cách trình bày báo cáo tác động đến môi trường và xã hội, dẫn đến điểm trung bình bị thấp.
Với mong muốn các doanh nghiệp chú trọng hơn đến việc đầu tư xây dựng báo cáo thường niên, qua đó ngày càng thể hiện tính chuyên nghiệp trong quan hệ với cổ đông công ty, cũng như góp phần thu hút mạnh mẽ vốn góp của các nhà đầu tư tiềm năng, HNX có một số khuyến nghị nhằm giúp các doanh nghiệp hoàn thiện hơn nữa ấn phẩm này.
Một là, đảm bảo việc nộp báo cáo thường niên đúng thời hạn và đúng mẫu theo quy định hiện hành.
Hai là, đầu tư thêm vào hình thức của báo cáo, giúp báo cáo không khô khan, nhàm chán, thiếu hấp dẫn. Một báo cáo thường niên chất lượng là một báo cáo chuẩn chỉnh, thu hút về hình thức và sâu sắc trong nội dung.
Ba là, về mặt nội dung, các doanh nghiệp nên bổ sung nhiều thông tin cụ thể hơn khi nói về chiến lược phát triển trung, dài hạn của công ty, phân tích những rủi ro công ty có thể gặp phải, nguyên nhân việc không đạt/đạt được kế hoạch đề ra trong năm.
Báo cáo thường niên cũng nên là nơi để hội đồng quản trị, ban điều hành chia sẻ tâm tư, chia sẻ những khó khăn mình gặp phải trong năm, những lý do khiến công ty không đạt được kế hoạch như kỳ vọng để nhà đầu tư hiểu và thông cảm, cũng như tìm ra được định hướng mới cho công ty trong tương lai.
Đối với các nội dung đã quy định theo mẫu báo cáo thường niên tại Thông tư 155, nếu lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp không có một số nội dung nào đó, hoặc không có ảnh hưởng gì thì nên ghi rõ trong báo cáo thường niên. Việc thể hiện rõ có/không có các nội dung này giúp doanh nghiệp không bị mất điểm một cách đáng tiếc.
Ngoài ra, bên cạnh các thông tin về tài chính, công ty cũng cần lưu ý tới các thông tin liên quan tới môi trường, xã hội. Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững và vươn cao thì ngoài việc có trách nhiệm trong hoạt động, trong điều hành, còn cần có trách nhiệm với môi trường, xã hội.
Nhìn chung, việc lập một báo cáo thường niên không phải là một việc khó, nhưng để lập một báo cáo thường niên chất lượng thì cần đầu tư lớn về cả thời gian và nhân lực. Các doanh nghiệp nên coi việc lập báo cáo thường niên là một hình thức để giao tiếp với nhà đầu tư, quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp, ghi nhận những dấu mốc trong quá trình hoạt động trong năm của mình.