Theo đó, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện công tác lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.
Phó Thủ tướng lưu ý báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao bao gồm cả đánh giá tác động môi trường của dự án phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải rà soát đề án đường sắt tốc độ cao vào năm 2018 và trình Quốc hội. Nếu Quốc hội cho phép đầu tư sẽ triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ 2020 đến năm 2030, trong đó ưu tiên các phân đoạn Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo lộ trình đến năm 2018 phải trình Đề án đường sắt tốc độ cao lên Chính phủ để tiếp tục thẩm định, nếu khả thi sẽ trình Quốc hội. Phân đoạn đầu tư sẽ ưu tiên đoạn Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang, nếu làm những đoạn ngắn hơn nữa thì kiến nghị từ Hà Nội đi Phủ Lý (Hà Nam) và từ Thủ Thiêm (TPHCM) đi Long Thành (Đồng Nai).
Theo Bộ này, chiến lược quy hoạch đường sắt vẫn xác định lượng hành khách rất lớn trên trục Bắc - Nam, với lượng hàng hóa vận tải trong trung và ngắn hạn thì vẫn không có phương tiện nào khác tốt hơn đường sắt.
Khẩn trương báo cáo phương án xử lý BOT Cai Lậy
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các phương án giải quyết bất cập tại trạm thu giá BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Trạm BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang
Trước đó, ngày 19/1, UBND tỉnh Tiền Giang đã có báo cáo về chỉ đạo xử lý tại Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT Cai Lậy.
Để sớm triển khai hoạt động thu giá tại trạm thu giá BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các phương án giải quyết bất cập tại trạm thu giá BOT Cai Lậy theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 34/TB-VPCP ngày 23/1/2018.
Trạm BOT Cai Lậy bắt đầu được thu phí từ đầu tháng 8/2017 để hoàn vốn cho Dự án cải tạo, tăng cường mặt đường 26,4 km quốc lộ 1 qua Tiền Giang, đoạn qua thị xã Cai Lậy dài 11,1 km, sửa chữa 14 cầu kết hợp xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1 km với tổng mức đầu tư 1.398 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức phí và vị trí đặt trạm được cho là vấn đề khiến người dân phản đối dẫn tới “vỡ” trạm và phải tạm dừng thu phí trong 3 tháng.
Ngày 30/11/2017, trạm BOT Cai Lậy tiếp tục được thu phí trở lại, nhưng những ngày qua trạm này trở thành điểm “nóng”, tài xế sử dụng các phương thức phản đối như trả tiền lẻ, xếp hàng gây ùn tắc… khiến trạm này không thể thu được phí.
Ngày 4/12/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trước mắt trạm BOT Cai Lậy dừng thu phí 1-2 tháng để xem xét, đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan đến dự án.
Được biết, hiện nay mỗi ngày đêm có 26.000 lượt phương tiện qua trạm Cai Lậy, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu 4 phương án xử lý bất cập tại trạm BOT này.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đã nghiên cứu rất đầy đủ các phương án, phải chọn phương án giải quyết tổng thể các vấn đề nhưng mỗi phương án lại có những tác động nhất định.
Vì thế, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải và các Bộ ngành khác tiếp tục rà soát. Hiện chưa biết Thủ tướng quyết định phương án nào.