Trưởng Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Cao Quốc Hưng và 10 thành viên là lãnh đạo các phòng, ban chuyên trách tại Bộ Công Thương, lãnh đạo Sabeco, Habeco.
Ban Chỉ đạo này có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng giao, lựa chọn tư vấn bán cổ phần cho hai doanh nghiệp (DN) hàng đầu ngành bia này. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng đề án và tổ chức thực hiện thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, Habeco theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và quy định pháp luật.
Dự kiến Sabeco và Habeco sẽ được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán trong nước trước khi xem xét bán cổ phần cho các nhà đầu tư quan tâm. Ước tính, Chính phủ có thể thu về khoảng 2,2 tỷ USD nếu thoái hết 89,6% cổ phần tại Sabeco và 82% cổ phần tại Habeco. Trong năm 2016, dự kiến Nhà nước sẽ thoái 53,59% cổ phần tại Sabeco để thu về 1 tỷ USD và phần còn lại sẽ thoái trong năm 2017.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là cương quyết sắp xếp lại các DNNN, bán phần vốn của Nhà nước không cần nắm giữ tại DN với chủ trương nhất quán là minh bạch, công khai.
“Nguyên tắc bán là phải đấu giá, bán cho DN nào mua được giá cao nhất, không bán chỉ định, không bán giới hạn. Không có lợi ích nhóm trong bán cổ phần của DN, mang lại cho Nhà nước lợi ích cao nhất”, Bộ trưởng khẳng định.
Các DN này phải lên sàn nhằm mục đích xác định giá cổ phiếu chính xác hơn trên cơ sở giá tham chiếu của sàn, bảo đảm minh bạch nhất, mọi nhà đầu tư có thể theo dõi, xem xét. Việc Sabeco, Habeco lên sàn chứng khoán chậm, cổ phần hóa từ lâu nhưng không lên sàn, là lỗi của 2 DN.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, Thủ tướng yêu cầu 2 DN này phải niêm yết và thực hiện trong năm 2016, nếu thực hiện chậm, Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm điểm trước Thủ tướng. Hai DN có trách nhiệm kiểm điểm trước Bộ Công Thương về việc chậm trễ, không minh bạch.