Lao động trở lại TP.HCM làm việc sau Tết cao kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
Sở Công thương TP.HCM ghi nhận tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn sau dịp Tết Nguyên đán cao kỷ lục, với mức trên 96%.
Người lao động làm việc tại một doanh nghiệp may ở TP.HCM (Ảnh: Lê Toàn).

Người lao động làm việc tại một doanh nghiệp may ở TP.HCM (Ảnh: Lê Toàn).

“Tại nhiều doanh nghiệp, 100% người lao động đã quay lại sản xuất. Khối Hiệp hội cơ khí điện cho rằng, đây là năm mà sau Tết có số lượng người lao động quay lại làm việc cao nhất so với những năm dịch chưa xảy ra. Tôi tin với đà trở lại kinh doanh như hiện nay, một thời gian ngắn nữa, kinh tế Thành phố sẽ tăng trưởng dương”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công thương TP.HCM chia sẻ tại Họp báo cung cấp thông tin định kỳ quý đầu năm 2022 vào chiều 11/2.

Vị này cho biết, lãnh đạo các khu công nghiệp trên địa bàn thông tin, tỷ lệ công nhân quay lại làm việc sau dịp nghỉ lễ đạt trên 96% trong khi các năm trước thường đạt dưới 90%.

Ngoài ra, sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế Thành phố còn được thể hiện qua lượng đơn hàng mà doanh nghiệp trong các ngành nghề đã ghi nhận.

Cụ thể, doanh nghiệp trong ngành cơ khí điện như Công ty cổ phần Cơ khí Tân Thanh đã nhận đủ đơn hàng hết quý đầu tiên năm nay hay doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến gỗ đã được đối tác đặt đơn hàng đến hết nửa đầu năm.

Ngoài ra, trong tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và hoạt động trở lại trên địa bàn cao hơn cùng kỳ năm ngoái lần lượt 25% và 36%, trong khi số lượng doanh nghiệp giải thể giảm khoảng 8%.

Hiện, hầu hết doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại sau thời gian dài gián đoạn vì dịch bệnh và tăng tốc các hoạt động sản xuất với công suất đạt trên 95%.

Trên 99% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đều hoạt động trở lại và tỷ lệ này tại khu công nghệ cao là 100%.

Tình hình đăng ký thành lập và bổ sung tăng vốn của các doanh nghiệp tại TP.HCM trong tháng đầu năm 2022 (Nguồn: SCT).
Tình hình đăng ký thành lập và bổ sung tăng vốn của các doanh nghiệp tại TP.HCM trong tháng đầu năm 2022 (Nguồn: SCT).

Sở Công thương TP.HCM cho biết, trong tháng vừa qua, nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ trên địa bàn đã có kế hoạch phối hợp nhà sản xuất, nhà cung cấp tăng cường lượng hàng thiết yếu để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết, sản lượng chiếm 25-40% nhu cầu thị trường (đối với hệ thống các doanh nghiệp bình ổn thị trường) và 60-75% thị phần (đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ,…còn lại).

Cùng với đó, cả 3 chợ đầu mối trên địa bàn đều đã hoạt động trở lại, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt dịp Tết Nguyên đán với sản lượng hồi phục đạt bình quân hơn 6.000 tấn/ngày; riêng những ngày giáp Tết đạt 10.500 tấn/đêm.

Ccác hệ thống phân phối hiện đại tại TP.HCM đã tăng công suất phục vụ dịp Tết gấp 2-3 lần so với tháng bình thường.

Đến nay, 213/233 chợ truyền thống, 45/46 trung tâm thương mại, hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi trên địa bàn,… đã hoạt động trở lại.

TP.HCM là địa phương đứng đầu cả nước trong thu hút các doanh nghiệp nước ngoài chọn làm nơi đặt văn phòng đại diện (Ảnh minh hoạ: Lê Toàn).
TP.HCM là địa phương đứng đầu cả nước trong thu hút các doanh nghiệp nước ngoài chọn làm nơi đặt văn phòng đại diện (Ảnh minh hoạ: Lê Toàn).

Những dấu hiệu cho thấy sự hồi phục của nền kinh tế trên địa bàn còn có thể quan sát qua động thái duy trì hiện diện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Ví dụ, các doanh nghiệp FDI thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa thường chọn phát triển từ hình thức mở văn phòng đại diện.

Phương thức này nhằm triển khai hoạt động nghiên cứu thị trường trên lãnh thổ Việt Nam, tham gia tích cực vào thúc đẩy hoạt động xúc tiến xuất nhập khẩu hàng hóa (thủy hải sản, cà phê, nông sản,...) và các dịch vụ, hoạt động đầu tư khác được xem như bước chuẩn bị trước khi thành lập doanh nghiệp FDI.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, trên địa bàn có 1.879 văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài và trở thành địa phương đứng đầu cả nước trong thu hút các doanh nghiệp nước ngoài chọn làm nơi đặt văn phòng đại diện.

Số lượng văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài nêu trên đến từ nhà đầu tư tại 79 quốc gia và vùng lãnh thổ, nổi bật từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ, Singapore và Hồng Kông.

Gần 2.000 văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài nêu trên cung cấp việc làm cho lực lượng lao động gần 10.000 người Việt và hơn 2.000 người nước ngoài.

Một vấn đề khác cũng được chia sẻ tại Họp báo là kết quả sơ bộ từ đợt kiểm tra đột xuất tại hàng trăm cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn của Sở này vào chiều tối 10/2 nhằm có phương án xử lý kịp thời nếu tình trạng găm hàng xảy ra.

TP.HCM hiện có khoảng 548 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu. Về kết quả, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh thanh tra Sở cho biết , đơn vị này chỉ ghi nhận 9 cửa hàng tạm ngưng hoạt động.

Đến sáng 11/2, đã có 7 cửa hàng hoạt động trở lại sau khi được đơn vị phân phối cung cấp hàng và 2 cửa hàng khác vẫn tạm ngưng.

“Hiện, chúng tôi ghi nhận có 2 cửa hàng trên địa bàn tạm ngưng hoạt động có lý do, bao gồm một cửa hàng tạm ngưng để hoàn tất hệ thống phòng, chữa cháy và một cửa hàng tạm ngưng vì người chủ qua đời vì Covid-19”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công thương TP.HCM chia sẻ vào chiều 11/2.

Tin bài liên quan