Ông Bùi Văn Mai

Ông Bùi Văn Mai

Lãnh đạo VACPA lên tiếng vụ "bỏ lớn bắt nhỏ"

(ĐTCK) Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề (VACPA) Bùi Văn Mai cho biết, không có chỉ đạo nào là chỉ kiểm tra các công ty nhỏ.

Sau khi bài viết “Kiểm soát chất lượng kiểm toán: bỏ lớn bắt nhỏ?” được đăng tải, phóng viên ĐTCK có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Mai, Phó chủ tịch thường trực kiêm VACPA, Trưởng ban Kiểm soát chất lượng kiểm toán xung quanh vấn đề này.

Được biết, trong kế hoạch kiểm soát chất lượng năm nay, chỉ có 15 công ty được kiểm tra và các công ty này đều có quy mô khá nhỏ. Vậy tiêu chí lựa chọn các công ty kiểm toán để kiểm tra năm nay là gì, thưa ông?

Theo Quyết định số 32/2007 của Bộ Tài chính ban hành quy chế kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán, các công ty kiểm toán cứ 3 năm được kiểm tra chất lượng 1 lần. Các công ty mới thành lập thì sau khi đi vào hoạt động 3 năm sẽ được kiểm tra.

Từ năm 2012, sau khi có Luật Kiểm toán độc lập và trên cơ sở tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 32, VACPA được Bộ Tài chính ủy quyền thực hiện kiểm soát chất lượng, Bộ Tài chính chỉ đạo: các công ty được kiểm tra có kết quả không đạt yêu cầu hoặc yếu kém thì có thể được kiểm tra ngay vào năm sau đó.

Ngoài ra, các công ty có vụ việc bất thường hoặc cơ quan Nhà nước nghi ngờ có sai phạm thì cũng được kiểm tra ngay mà không phải chờ sau 3 năm.

Như vậy, tiêu chí lựa chọn công ty kiểm toán để kiểm soát là khá rõ ràng.

Trên cơ sở tiêu chí này, năm nay, VACPA đã chọn lựa ra 88 công ty kiểm toán; trong đó, có 20 công ty kiểm toán niêm yết, đủ điều kiện được kiểm tra và chỉ đạo tất cả các công ty này phải tự kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch vụ và có kế hoạch sửa chữa, khắc phục các sai sót, gửi báo cáo cho VACPA.

Đến hết tháng 7/2013, có 87 công ty đã thực hiện tự kiểm tra và nộp đủ báo cáo, 1 công ty đã giải thể nên không có báo cáo.

Sau khi xem xét báo cáo tự kiểm tra và căn cứ vào khả năng cán bộ đủ điều kiện tham gia kiểm tra của mình, VACPA đã lựa chọn được 22 công ty thuộc diện có từ 4 - 5 năm chưa được kiểm tra, hoặc sau khi thành lập đã đi vào hoạt động từ 4 - 5 năm chưa được kiểm tra để lập kế hoạch kiểm tra trực tiếp năm 2013; trong đó, có 8 công ty đủ điều kiện kiểm toán niêm yết và 14 công ty chưa đủ điều kiện kiểm toán niêm yết.

Khi trình Bộ Tài chính danh sách 22 công ty này, VACPA đã đề nghị Bộ Tài chính bổ sung thêm từ 5 - 6 công ty khác theo yêu cầu của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tuy nhiên, có thể do lực lượng cán bộ đủ điều kiện tham gia kiểm tra còn quá mỏng và yêu cầu kiểm tra phải chặt chẽ, kỹ càng hơn nên Bộ Tài chính chỉ định danh sách kiểm tra 15 công ty; trong đó, có 7 công ty đã được kiểm tra các năm trước, 8 công ty kiểm tra lần đầu tiên.

 

Có tới 7 công ty đã được kiểm tra các năm trước, năm nay lại tiếp tục được kiểm tra? Liệu có phải do chế tài chưa đủ mạnh nên DN không chịu khắc phục sai sót nên phải kiểm tra tiếp hay không, thưa ông?

Việc có 7 công ty đã được kiểm tra các năm trước nay được kiểm tra năm 2013 là chuyện bình thường vì có công ty từ 4 - 5 năm qua chưa được kiểm tra. Không có chỉ đạo nào là chỉ kiểm tra các công ty nhỏ, mà chính là do đã nhiều năm chưa được kiểm tra lại, hoặc đã thành lập và đi vào hoạt động lâu rồi nên cần được kiểm tra trước.

 

Vì sao VACPA chỉ chọn kiểm tra 3 công ty đủ điều kiện kiểm toán niêm yết, trong khi tình trạng vi phạm chuẩn mực kế toán, kiểm toán được tại các DN niêm yết được cơ quan quản lý nhận định là khá phổ biến và ảnh hưởng của BCTC sau kiểm toán với công chúng đầu tư là rất lớn?

Việc chọn lựa công ty kiểm toán để kiểm tra trực tiếp là căn cứ vào các tiêu chí quy định hoặc tiêu chí đã thống nhất trước khi chọn, chứ không lấy tiêu chí quy mô lớn hay nhỏ.

Các công ty kiểm toán lớn, kể cả Big 4 thường có hệ thống kiểm soát chất lượng chặt chẽ, được công ty mẹ kiểm tra thường niên, được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giám sát chặt chẽ nên chất lượng chắc chắn bảo đảm tốt hơn, nhưng không có nghĩa là không có sai sót…

Khách hàng của công ty kiểm toán lớn thường cũng lớn và có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội nên nếu có sai sót thì phạm vi và mức độ ảnh hưởng của nó đối với thị trường là rất lớn.

Do đó, công ty kiểm toán lớn cũng được kiểm tra với tần suất tương tự mọi công ty kiểm toán khác, như Big 4 đã được kiểm tra 4 lần từ năm 1999 đến năm 2011. Tuy nhiên, về mặt chủ quan, chúng tôi thường chọn kiểm tra các công ty kiểm toán lớn cùng một kỳ để thuận tiện cho việc lựa chọn cán bộ kiểm tra phù hợp và tổng hợp đánh giá, so sánh kết quả kiểm tra được tương đương trong một năm kiểm tra.

 

Nhà đầu tư kỳ vọng nhiều vào khâu hậu kiểm BCTC. Vậy nhưng chất lượng kiểm toán lại chưa đáp ứng được kỳ vọng của NĐT. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Do khó khăn chung của nền kinh tế, tình hình kinh doanh của phần lớn DN đều kém hiệu quả nên DN có xu hướng giấu giếm khó khăn, làm đẹp BCTC để giữ chân khách hàng, giữ chân nhà đầu tư, giữ giá cổ phiếu. Việc kiểm toán BCTC và kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán của từng DN cũng đang rất khó khăn.

Ngoài ra, do DN thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động hoặc phá sản, làm số lượng khách hàng kiểm toán giảm, khiến sức ép cạnh tranh giữa các DN kiểm toán tăng lên, mặt bằng giá phí kiểm toán giảm xuống…, cũng tác động tiêu cực đến chất lượng dịch vụ kiểm toán.

>> UBCK đình chỉ tư cách kiểm toán chấp thuận của 2 kiểm toán viên

>> Công ty kiểm toán "làm bậy" sẽ chịu "bản án" nặng từ thị trường

>> Kiểm toán cần thời gian đủ dài để thông tỏ DN