Tại Đại hội, bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, 2022 là năm không giống bất kỳ năm nào. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát, bởi xung đột Nga-Ukraina, và dịch bệnh vẫn còn rình rập đe dọa, hàng loạt công ty đang trên bờ vực phá sản. Đứng trước những khó khăn đó, Gỗ Đức Thành vẫn tìm mọi cách phát huy tối đa tiềm lực, tìm giải pháp phù hợp, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Trong năm 2023, Gỗ Đức Thành đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 520 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 83 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 30% và 20% so với thực hiện trong năm 2022. Trong đó, doanh thu xuất khẩu dự kiến đóng góp 81% tổng doanh thu.
Dự kiến năm 2023, Gỗ Đức Thành sẽ mở rộng lĩnh vực kinh doanh, làm hàng furniture; tiếp tục làm việc với công ty tư vấn chiến lược, đưa vào vận hành hệ thống ERP, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, tập trung cải tiến quy trình sản xuất, quyết tâm tăng năng suất lao động, góp phần cải thiện lợi nhuận.
Đánh giá về kế hoạch năm 2023, bà Liễu cho rằng, doanh thu 520 tỷ đồng không quá thấp cũng không quá cao. Thoạt nhìn, mức tăng trưởng 30% có vẻ cao nhưng thực tế là do so với mức nền thấp của năm trước và vẫn chưa phản ánh đúng thực lực của Gỗ Đức Thành.
“Mục tiêu đặt ra phải không quá thấp để cán bộ công nhân viên tiếp tục nỗ lực cố gắng, nhưng cũng không quá cao. Mức 520 tỷ đồng nằm trong tầm với của Gỗ Đức Thành”, bà Liễu chia sẻ và cho biết thêm, hiện nay, Gỗ Đức Thành đã có đơn hàng tới tháng 5/2023.
Sau khi mua lại nhà máy của Đức Tâm có diện tích 12.000 m2 trong năm 2022, Gỗ Đức Thành đặt ra chiến lược phát triển mặt hàng nội thất cho thị trường nội địa và xuất khẩu, bên cạnh các sản phẩm chủ lực như gia dụng, nhà bếp, đồ chơi.
Về thị trường xuất khẩu, Công ty sẽ chuyển hướng sang thị trường gần hơn với Việt Nam thay vì trông đợi vào Mỹ và châu Âu. Mục tiêu là để củng cố cho thương hiệu của GDT
Theo kế hoạch, nhà máy mới sẽ chiếm 15-20% doanh thu Gỗ Đức Thành trong năm 2023, dự kiến có doanh thu 100 tỷ đồng.
Phát hành riêng lẻ với giá ưu đãi 20.000 đồng/cổ phiếu
Gỗ Đức Thành thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ hơn 1 triệu cổ phiếu cho 65 nhà cung cấp và đối tác với giá ưu đãi là 20.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ phát hành 5%.
Trên thực tế, đây là đề xuất của bà Liễu từ ĐHĐCĐ thường niên 2021 và phải dời tới nay do vướng nhiều thủ tục, quy định. Bà Liễu cho biết, đây là hướng đi gắn kết lợi ích của nhà cung cấp, đối tác với lợi ích của Công ty vì vậy được mọi người ủng hộ hoàn toàn.
“Khi họ cũng là chủ của Gỗ Đức Thành thì đồng tiền bỏ bên túi của họ hay túi của Gỗ Đức Thành sẽ vẫn là tiền của họ… Họ cũng là chủ Gỗ Đức Thành nên sẽ hưởng được lợi nhuận tại Gỗ Đức Thành, không bao giờ rời bỏ và luôn ưu tiên cho Gỗ Đức Thành”, bà Liễu cho biết.
Được biết, cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm năm kể từ ngày hoàn thành việc chào bán, thay vì 5 năm như đề xuất trước đây.
Toàn bộ số tiền thu được từ việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ khoảng 21 tỷ đồng dự kiến mua dự trữ nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất như vật liệu như gỗ, vecni, keo, vật liệu đóng gói và công cụ khác.
Giảm tỷ lệ cổ tức năm 2022 so với kế hoạch
Về chính sách phân phối lợi nhuận, Công ty cho biết, năm 2022 do cần giữ lại tiền để đổi mới công nghệ nên ĐHĐCĐ đồng ý giảm tỷ lệ chia cổ tức từ 40% xuống 30% bằng tiền mặt. Trong năm, Gỗ Đức Thành đã tạm ứng 10% cổ tức bằng tiền mặt, 20% còn lại sẽ chia trong năm 2023.
Bước sang năm 2023, Công ty dự kiến cổ tức sẽ là 30% bằng tiền mặt hoặc vừa tiền mặt vừa cổ phiếu.
Bên cạnh đó, Gỗ Đức Thành cũng bầu bổ sung ông Nguyễn Hoàng Ngân thay thế cho ông Trần Xuân Nam xin từ nhiệm vì lý do cá nhân. Ông Ngân nguyên là Tổng giám đốc công ty cổ phần nhựa Bình Minh đã về hưu, hiện vẫn đang đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Nhựa Bình Minh (mã BMP).
"Những kinh nghiệm và kiến thức của ông Nguyễn Hoàng Ngân ở thị trường nội địa sẽ hỗ trợ rất nhiều cho Gỗ Đức Thành", bà Lê Hải Liễu nhấn mạnh.