Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cùng lãnh đạo tỉnh Nam Định gặp mặt, đối thoại với 500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2017.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cùng lãnh đạo tỉnh Nam Định gặp mặt, đối thoại với 500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2017.

Lãnh đạo Nam Định trao đổi, đối thoại với các doanh nghiệp, doanh nhân

Lãnh đạo tỉnh Nam Định, đại diện các sở, ngành của tỉnh vừa có buổi trao đổi, đối thoại với 500 doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư tại Nam Định.

Dưới sự củ trì, gợi mở của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị, trong hơn 2 giờ đồng hồ, cuộc trao đổi, đối thoại đã diễn ra sôi nổi, liên tục với nhiều ý kiến phát biểu xoay quanh việc giải quyết các thủ tục đầu tư, quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng, xử lý môi trường, đóng bảo hiểm xã hội, quỹ Công đoàn, an toàn giao thông… 

Ông Trần Xuân Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Nam Định kiến nghị nhiều vấn đề tổng hợp tiếp thu từ các doanh nghiệp. Đối với với Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp Nam Định mong muốn xem xét về mức lương tối thiểu vùng, có nên tiếp tục áp dụng hay không vì hiện nay các doanh nghiệp đều trả mức lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng quy định, trong khi áp dụng mức lương tối thiểu vùng có thể hạn chế sự cạnh tranh của các doanh nghiệp. Một số ý kiến đề nghị tiếp tục giảm tỷ lệ đóng BHXH, BHYT, BHTN, đóng quỹ Công đoàn... do chiếm tỷ lệ cao so với tổng lương của người lao động.

Một số ý kiến kiến nghị liên quan đến lãi suất ngân hàng, thủ tục hành chính cũng được đại diện doanh nghiệp nêu tại Hội nghị.

Đối với UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp kiến nghị các sở, ngành của tỉnh đẩy nhanh làm thủ tục cho thuê đất sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; quy hoạch đất làng nghề cụ thể, công khai quy hoạch để khắc phục tình trạng các làng nghề nằm xen kẽ trong dân cư, ảnh hưởng tới môi trường sinh hoạt. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị tỉnh sớm thúc đẩy để thành lập Hội doanh nghiệp ở huyện, tiến tới tất cả các huyện, Thành phố của tỉnh đều có Hội doanh nghiệp, hướng đến năm 2020, tỉnh Nam Định có 10.000 doanh nghiệp. Theo khảo sát, hiện Nam Định có gần 12.000 hộ kinh doanh có đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp, nếu tỉnh, huyện có chủ trương tốt, một nửa số này được chuyển đổi, thành lập doanh nghiệp thì tỉnh Nam Định sẽ vượt mức 10.000 doanh nghiệp vào năm 2020.

Trao đổi với doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị một lần nữa khẳng định, quan điểm của tỉnh là luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp nêu ra, vấn đề nào thuộc quyền hạn, chức năng của tỉnh và các sở, ngành, tỉnh sẽ tập trung nhanh chóng tháo gỡ. Những vấn đề thuộc trung ương, tỉnh sẽ báo cáo, kiến nghị sớm.

Nam Định đã ban hành Nghị quyết về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư; đồng thời thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Nam Định thuộc UBND tỉnh nhằm tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh. Các địa phương, đơn vị trong tỉnh cũng đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong cơ quan hành chính Nhà nước các cấp của tỉnh Nam Định, hướng đến xây dựng chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch Phạm Đình Nghị yên cầu các cơ quan, đơn vị tỉnh Nam Định thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và giải quyết việc trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, tránh chồng chéo gây phiền hà đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Phạm Đình Nghị thông tin, theo quy hoạch, ngoài 9 khu công nghiệp, Nam Định cũng đã quy hoạch 44 cụm công nghiệp trên địa bàn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỉnh chủ trương không dùng tiền ngân sách mà kêu gọi, ưu tiên, thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng. Nam Định khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch, có sẵn mặt bằng sạch, tránh những khó khăn, vướng mắc trong công tác thỏa thuận, đền bù, giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án.

Hiện Nam Định có gần 5.000 doanh nghiệp. Thời gian qua, công tác thu hút đầu tư của tỉnh đạt kết quả cao với nhiều dự án đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.

Nam Định đặt mục tiêu, giai đoạn 2016 - 2020, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt trên 3 tỷ USD, đầu tư từ các nguồn vốn trong nước đạt trên 30.000 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu đó, lãnh đạo Nam Định đặt quyết tâm xây dựng một môi trường đầu tư năng động, hấp dẫn, phục vụ tích cực cho thu hút đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh cho các nhà đầu tư và  doanh nghiệp.

* Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Nam Định tổ chức kỷ niệm và chúc mừng các doanh nghiệp nhân Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10.

* Trước đó, tại Hội nghị,  ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI đã trao đổi về nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Nam Định; chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng đã có bài nói chuyện với các doanh nhân về Kinh tế Việt Nam năm 2017 và những cơ hội thách thức trong nền kinh tế hội nhập kinh tế thế giới thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Tin bài liên quan