Cụ thể, ông Dương Thành Công, thành viên HĐQT vừa mua 150.000 cổ phiếu DHC để nâng sở hữu từ 0,75% lên 0,94% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ ngày 26/5 đến ngày 15/6.
Một diễn biến đáng lưu ý, Công ty dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2023 ngày 26/6 tại Bến Tre.
Trong đó, Đông Hải Bến Tre trình cổ đông kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 20%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được mua thêm 20 cổ phiếu mới với giá 25.000 đồng/cổ phiếu và dự kiến triển khai trong năm 2023.
Như vậy, với vốn điều lệ 804,49 tỷ đồng, ước tính Công ty sẽ phát hành tối đa 16,1 triệu cổ phiếu để huy động 402,5 tỷ đồng. Trong đó, số tiền huy động, Công ty dự kiến bổ sung vào vốn lưu động.
Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 16/6 là 42.200 đồng/cổ phiếu, giá chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sắp tới đang thấp hơn 40,8% so với giá thị trường.
Đồng thời, Đông Hải Bến Tre cũng dự kiến phát hành tối đa 2 triệu cổ phiếu ESOP giá 25.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ phát hành dự kiến là 2,48% so với tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Đông Hải Bến Tre trình cổ đông hủy bỏ phương án chào bán cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu đã thông qua ngày 17/6/2022.
Công ty cho biết căn cứ tình hình thị trường không thuận lợi cho việc triển khai chào bán và có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Công ty và quyền lợi của cổ đông, Hội đồng quản trị quyết định trình cổ đông xem xét hủy bỏ kế hoạch chào bán.
Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Đông Hải Bến Tre thông qua kế hoạch phát hành tối đa 2,5 triệu cổ phiếu ESOP với giá phát hành 27.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành trên số lượng cổ phiếu lưu hành là 3,57% và mục đích phát hành để bổ sung vốn lưu động.
Cũng trong Đại hội năm 2022, Đông Hải Bến Tre cũng thông qua chào bán gần 7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 27.000 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền huy động dự kiến 188,98 tỷ đồng. Trong đó, Công ty dự kiến dùng toàn bộ số tiền huy động 188,98 tỷ đồng để thanh toán tiền mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Như vậy, Công ty đã huỷ kế hoạch huy động vốn năm 2022, trình kế hoạch mới với giá giảm từ 27.000 đồng về 25.000 đồng/cổ phiếu và khối lượng chào bán tăng từ 7 triệu cổ phiếu lên 16,1 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh đó, Đông Hải Bến Tre cũng trình cổ đông kế hoạch nâng vốn đầu tư dự án Nhà máy giấy – Công ty cổ phần Giấy Giao Long từ 1.800 tỷ đồng lên 2.600 tỷ đồng, tăng thêm 800 tỷ đồng, tương ứng tăng 44,4% so với kế hoạch đầu tư trước đó.
Trong năm 2023, Đông Hải Bến Tre đặt kế hoạch tổng doanh thu 3.240 tỷ đồng, giảm 17,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 300 tỷ đồng, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ nhà máy Giao Long – PM2 ghi nhận 2.100 tỷ đồng; nhà máy Giao Long – PM1 ghi nhận 530 tỷ đồng; nhà máy Bao bì ghi nhận 370 tỷ đồng; và còn lại 240 tỷ đồng đến từ Công ty TNHH MTV Bao bì Bến Tre.
Lợi nhuận đi lùi trong quý đầu năm 2023
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý 1/2023, Đông Hải Bến Tre ghi nhận doanh đạt 848 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 86 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 18,5% xuống còn 17,3%.
Như vậy, sau quý đầu năm 2023, Đông Hải Bến Tre đã thực hiện được 29% kế hoạch lợi nhuận năm 2023.
Lý giải kết quả kinh doanh suy giảm, Đông Hải Bến Tre cho biết lợi nhuận giảm mạnh do sản lượng sản xuất giảm nhẹ, sản lượng bán ra tăng nhưng giá giấy bán ra giảm, giá giấy nguyên liệu và các chi phí đầu vào giảm. Bên cạnh đó, lãi suất lãi vay ngắn hạn tăng và công ty con là Bao Bì Bến Tre chỉ mới đi vào hoạt động chính thức từ tháng 4/2022 nên sản lượng sản xuất và bán ra còn thấp, chưa có hiệu quả.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/6, cổ phiếu DHC tăng 50 đồng lên 42.200 đồng/cổ phiếu.