Các doanh nghiệp mà lãnh đạo gia tăng tỷ lệ sở hữu như Hòa Phát, Dabaco đều có vị thế đầu ngành và tiềm năng tăng trưởng.

Các doanh nghiệp mà lãnh đạo gia tăng tỷ lệ sở hữu như Hòa Phát, Dabaco đều có vị thế đầu ngành và tiềm năng tăng trưởng.

Lãnh đạo doanh nghiệp đua tăng cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãnh đạo cấp cao của nhiều doanh nghiệp liên tục có động thái gia tăng lượng cổ phiếu nắm giữ đem đến những góc nhìn đáng chú ý cho các nhà đầu tư.

Muốn sở hữu lớn

Theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC), Hội đồng quản trị đề xuất cho ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai khi mua cổ phiếu DBC để nâng tỷ lệ sở hữu của cá nhân và những người liên quan (trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu) vượt mức 25%, 35%, 45%, 55%, 65% và 75% số cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Tính đến cuối năm 2020, ông Nguyễn Như So nắm giữ hơn 19,1 triệu cổ phiếu DBC, tương đương tỷ lệ sở hữu 18,27%. Ông So và những người có liên quan theo danh sách tại báo cáo quản trị năm 2020 nắm giữ tổng cộng hơn 23,3 triệu cổ phiếu DBC, tương đương 24,67%.

Trước đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) có đề xuất tương tự trong tờ trình đại hội đồng cổ đông, chấp thuận việc ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị và con trai là Trần Vũ Minh không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai khi mua cổ phiếu HPG làm thay đổi tỷ lệ sở hữu của cá nhân và người có liên quan (trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu) vượt mức 35%, 45%, 55%, 65% và 75% số cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Tính đến cuối năm 2020, số cổ phiếu HPG mà ông Trần Đình Long nắm giữ là 864 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 26,08%. Ông Trần Vũ Minh nắm giữ 48 triệu cổ phiếu HPG, tương đương tỷ lệ 1,45%.

Tổng cộng số lượng cổ phiếu HPG mà ông Trần Đình Long và các cá nhân, tổ chức liên quan nắm giữ tại thời điểm cuối năm 2020 là hơn 1,1 tỷ đơn vị, tương đương tỷ lệ 34,97%.

Việc liên tục mua vào cổ phiếu HPG của gia đình ông Trần Đình Long được thực hiện từ thời điểm thị trường tạo đáy năm 2020 khi thị giá cổ phiếu quanh mức 18.000 đồng/cổ phiếu (trước thời điểm chia thưởng 30%). Hiện tại, với số cổ phiếu thưởng và thị giá cổ phiếu lên tới gần 60.000 đồng/cổ phiếu, lô cổ phiếu của con trai ông Long đã gia tăng gấp 3 giá trị ròng.

Theo một số nhà đầu tư, nguồn tin thân cận với ông Trần Đình Long chia sẻ, khi giá cổ phiếu HPG lên trên 4x, tài khoản được cho là của gia đình ông Long ủy thác vẫn mua vào cổ phiếu.

Xét về mặt cơ bản, các doanh nghiệp mà lãnh đạo gia tăng sở hữu tỷ lệ lớn cổ phần như Hòa Phát, Dabaco đều có vị thế đầu ngành và tiềm năng tăng trưởng.

Gia tăng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp được cho là mũi tên trúng nhiều đích của các doanh nhân.

Dabaco ước tính, trong quý I/2021 đạt 4.193 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 75%; lợi nhuận trước thuế 407 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, Công ty hoàn thành 27% kế hoạch doanh thu và 44% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021.

Trong khi đó, Hòa Phát ngày càng gia tăng lợi thế cạnh tranh ở quy mô sản xuất lớn và quản trị chặt chẽ các nguồn lực. Quý I/2021, doanh nghiệp sản xuất 2 triệu tấn thép thô, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức sản lượng này đưa Hòa Phát trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, vượt Formosa Hà Tĩnh - sản lượng 1,62 triệu tấn, thấp hơn 20% so với sản lượng của Hòa Phát.

Mũi tên trúng nhiều đích

Gia tăng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp được cho là mũi tên trúng nhiều đích của các doanh nhân.

Thứ nhất, giữ doanh nghiệp trước các âm mưu thâu tóm thù địch. Trường hợp Coteccons cũng như không ít doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa bị thâu tóm âm thầm, rồi đến một ngày, nhóm cổ đông khác “đoạt quyền” là kinh nghiệm mà các doanh nhân lớn thấm thía.

Thứ hai, khi lượng cổ phiếu mà lãnh đạo doanh nghiệp sở hữu đủ lớn (75% chẳng hạn), thị trường sẽ khó có thể tác động đến giá cổ phiếu ngoài ý muốn của họ. Nếu thị giá cổ phiếu giảm mạnh, họ có thể mua vào để giữ giá trị cổ phiếu, đến khi giá tăng sẽ bán ra. Trò chơi tài chính với nhiều gia đình doanh nhân là không bao giờ thiệt, bởi hơn ai hết, họ là người cầm trịch cả về thông tin, về lượng hàng hóa và có tiềm lực tài chính.

Thứ ba, các “đại gia” trước đây thường hãnh diện và phải tìm đến các tổ chức đầu tư như các quỹ, các đối tác nước ngoài để phát hành riêng lẻ và tuyên bố với thị trường “chúng tôi đã có đối tác ngoại”, thì nay cục diện đã đảo ngược.

Nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và sự lớn lên, tích lũy tư bản của nhiều tập đoàn tư nhân cho phép họ thuê mướn và tuyển dụng nhiều nhân tài về đầu quân, giúp họ hoạch định các chiến lược phát triển dài hạn và tận dụng được cơ hội lớn trên thị trường.

Trường hợp Hòa Phát vượt Formosa thuộc tập đoàn thép lớn nhất Đài Loan, hay Dabaco cạnh tranh ngang ngửa với CP Thái Lan cho thấy, không ít doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang rất tự tin trên sân nhà.

Về nguồn lực tài chính, đây không phải là điều quá khó khi uy tín và xếp hạng tín dụng của họ gia tăng trong mắt các ngân hàng.

Mặt khác, họ có thể dùng chính cổ phiếu sở hữu để gọi vốn, không phải từ các công ty chứng khoán trong nước, mà là nguồn vốn nước ngoài, thông qua công ty chứng khoán ngoại, hoặc định chế tài chính ngoại đang hiện diện tại Việt Nam.

Nguồn vốn ngoại thường dồi dào và có chi phí thấp hơn đáng kể so với các nguồn vốn trong nước.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cho rằng, chênh lệch lãi suất tại Việt Nam và ở nước ngoài tới 3 - 4%/năm, trong khi giá đồng nội tệ của Việt Nam các năm gần đây đều ổn định, chính là mảnh đất màu mỡ cho các nguồn vốn nước ngoài đổ sang tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài cho hay, giá trị cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của công ty chứng khoán chỉ có 3 - 4 phần là dành cho các nhà đầu tư cá nhân, còn lại chủ yếu dùng cho các thương vụ lớn.

Không tiết lộ những giao dịch lớn ấy có hình bóng của các hợp đồng tín dụng hay không, nhưng vị này cũng không phủ nhận những giao dịch như vậy ngày càng phổ biến.

Khi lãnh đạo doanh nghiệp có thể quản trị được mức giá chặn dưới, thì giá chặn trên (tức mức định giá tối đa mà công ty chứng khoán có thể cho vay margin với một mã cổ phiếu) không khó để tính ra (dựa vào cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp) nên các công ty chứng khoán không quá e ngại về phương thức bơm vốn dạng này.

Như vậy, có thể thấy rõ mũi tên trúng nhiều đích của những tờ trình cổ đông cho phép lãnh đạo doanh nghiệp gia tăng tỷ lệ sở hữu mà không phải chào mua công khai. Vấn đề là các nhà đầu tư khác trên thị trường tận dụng xu thế này như thế nào trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư?

Một nhà đầu tư kỳ cựu chia sẻ, chừng nào trong giai đoạn các lãnh đạo doanh nghiệp còn gom cổ phiếu, nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể canh mua gia tăng tỷ trọng cổ phiếu bám theo lưng “cá mập”.

Tất nhiên, nếu có nguồn tin chuẩn xác về việc lãnh đạo doanh nghiệp đang tiếp tục gom vào cổ phiếu, cộng với tiềm năng doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao, cơ hội sẽ tuyệt vời hơn.

Ở những doanh nghiệp mà “ván bài được lật ngửa”, tức lãnh đạo doanh nghiệp đã gom đủ lượng cổ phiếu theo mục đích họ đặt ra để thực hiện các bài tính toán lớn, thị giá cổ phiếu đã thiết lập và duy trì quanh mức giá mục tiêu của các nhà tạo lập này, giá cổ phiếu thường đi ngang và ít cơ hội kiếm lời.

Còn ở những doanh nghiệp có triển vọng mù mờ, việc lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mua vào cổ phiếu không phải là tia sáng mà nhà đầu tư cứ nhắm mắt lao theo. Ở không ít doanh nghiệp, những giao dịch thỏa thuận của lãnh đạo có mức giá cao chót vót, nhưng thực tế là họ đã mua vào một lượng lớn cổ phiếu từ thời điểm giá chỉ bằng một nửa, nay chỉ là động thái “trả lại tên cho em” và bắn thêm mũi tên với những toan tính khác.

Tin bài liên quan