Lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm trả giá đắt nếu “vô tâm” trong duyệt chi hoa hồng

Lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm trả giá đắt nếu “vô tâm” trong duyệt chi hoa hồng

(ĐTCK) Ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty Dịch vụ tư vấn đại lý bảo hiểm TILA khẳng định như vậy với Báo Đầu tư Chứng khoán. 

Được biết, ông vừa có một cuộc khảo sát về rủi ro đạo đức trong kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam. Liên quan đến chi hoa hồng ở khối bảo hiểm phi nhân thọ, kết quả thế nào, thưa ông?

Với mảng bảo hiểm phi nhân thọ, hoa hồng chính là khoản chi trả cho đại lý bảo hiểm hay môi giới bảo hiểm. Nhưng trên thực tế, số lượng giao dịch thông qua hai đối tượng trên khá thấp, chủ yếu vẫn là do nhân viên của công ty bảo hiểm ký trực tiếp với khách hàng hoặc thông qua trung gian, mà không phải là những người chuyên nghiệp được phép hành nghề.

Với các giao dịch lớn, số tiền phí bảo hiểm có thể lên tới hàng chục tỷ đồng, nhân viên công ty bảo hiểm thường tìm cách hợp thức hóa các khoản chi này để lấy được hợp đồng.

Lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm trả giá đắt nếu “vô tâm” trong duyệt chi hoa hồng ảnh 1

 Ông Trương Minh Cát Nguyên

Có nhiều cách để hợp thức hóa các khoản chi này, nhưng việc sử dụng “đại lý ảo” là người thân, bạn bè để hợp thức hóa chứng từ và nhận hoa hồng diễn ra chủ yếu. Việc chi hoa hồng được xem như một thỏa thuận ngầm giữa nhân viên bảo hiểm - đại lý bảo hiểm - khách hàng, dẫu doanh nghiệp bảo hiểm có quy định chặt chẽ về các khoản chi hay nghiêm khắc với hành vi vi phạm, nhưng vẫn không thể can thiệp quá sâu vào mối quan hệ giữa họ.

Nhiều khách hàng còn chủ động đòi chia hoa hồng với nhân viên bảo hiểm và đại lý, “đưa đẩy” doanh nghiệp bảo hiểm phải nâng chi phí kinh doanh lên cao và “sáng tạo” ra các chi phí hợp lệ khác. Từ đó, tạo ra áp lực cho các doanh nghiệp bảo hiểm do thu không đủ bù chi.

Về lâu dài, phương thức cạnh tranh như vậy không những không giúp doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao chất lượng dịch vụ, mà còn có thể gắn với các hệ lụy về trách nhiệm pháp lý cho chính các vị lãnh đạo của doanh nghiệp bảo hiểm.

Xin ông chia sẻ rõ hơn về trách nhiệm pháp lý của lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm khi duyệt chi sai hoa hồng?

Trong bất kỳ hoạt động kinh doanh nào, mục tiêu cuối cùng vẫn là hiệu quả, lợi nhuận.

Năm 2014, ban lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đứng đầu thị trường từng phải đối mặt với cáo buộc của Tòa hình sự có thẩm quyền vì các quyết định chi trả, sử dụng quỹ bảo hiểm thiếu minh bạch. Cụ thể, theo quy định, doanh nghiệp này không được duyệt chi hoa hồng bảo hiểm cho các đại lý đối với các khách hàng mua trực tiếp, nhưng vẫn duyệt chi thông qua các đại lý “ảo”.

Câu chuyện duyệt chi sai hoa hồng không còn xa lạ tại thị trường bảo hiểm Việt Nam. Trong tình huống này, ban lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm và cấp dưới đã duyệt chi hoa hồng cho đại lý, nhưng thực tế các đại lý không được hưởng số hoa hồng này.

Theo Thông tư 124/2012/TT-BTC, hoa hồng đại lý bảo hiểm là các khoản chi phí của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trả trực tiếp cho đại lý bảo hiểm. Ngoài ra, khai thác viên là đối tượng mà doanh nghiệp bảo hiểm không được phép chi hoa hồng bảo hiểm (Nghị định 45/2007/NĐ-CP).

Vì vậy, khoản hoa hồng mà khai thác viên tìm cách lấy thêm là khoản thu nhập bất hợp pháp. Do đó, ban lãnh đạo của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải trả giá nếu thiếu trách nhiệm trong quản lý, giám sát việc duyệt chi hoa hồng.

Hành vi tìm cách nhận thêm hoa hồng đại lý đã được hình sự hoá, nhưng theo ông vì sao vi phạm này vẫn phổ biến?

Hành vi này đã được quy vào “hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”  tại Điều 213, Bộ luật Hình sự 2015. Thực tế này không chỉ xuất hiện ở một vài doanh nghiệp mà nó tồn tại một cách có hệ thống trên diện rộng.

Trên thực tế, để chốt được hợp đồng, việc đại lý chi hoa hồng cho khách hàng bằng cách giảm phí bằng nguồn hoa hồng của chính họ là rất phổ biến. Lâu dần, đây không còn là chiêu thức khuyến mãi của đại lý, mà trở thành một cách để khách hàng đòi thêm quyền lợi cho mình khi ký hợp đồng bảo hiểm.

Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẵn sàng chi hoa hồng tăng thêm, tăng chi phí hỗ trợ, đồng thời khuyến khích đại lý đẩy mạnh khai thác, đặc biệt với các dòng sản phẩm nằm trong kế hoạch mở rộng của doanh nghiệp, với tỷ lệ vượt xa so với mức trần hoa hồng đại lý mà Bộ Tài chính cho phép.

Để hợp thức hóa các khoản chi cho đại lý ngoài quy định, doanh nghiệp bảo hiểm đã khéo léo đưa vào chi phí quản lý, chi phí bán hàng. Cuối cùng, dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng không khả quan.

Vậy, để tránh rủi ro này, theo ông, các doanh nghiệp bảo hiểm cần làm gì?

Để hạn chế được rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, các doanh nghiệp bảo hiểm nên hướng đến xây dựng mô hình quản lý kinh doanh theo hướng phát triển mạng lưới doanh nghiệp đại lý, nghĩa là chuyển đổi kinh doanh trực tiếp sang gián tiếp.

Việc chuyển đổi này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm phát triển lực lượng khai thác trung gian chuyên nghiệp, phân bổ lực lượng này vào các ngóc ngách dân cư, thay vì co cụm tại các trung tâm như hiện nay.

Việc áp dụng mô hình mới này ngoài giúp doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng, còn giúp cải thiện tỷ suất sinh lời, hạn chế tích tụ rủi ro pháp lý từ việc khai thác bất hợp pháp nguồn chi trả cho trung gian đại lý bởi lực lượng bán hàng trực tiếp của doanh nghiệp gây ra.

Tin bài liên quan