Ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai đang là nơi nguy hiểm nhất
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh báo cáo tại cuộc họp, số ca mắc tại Việt Nam có xu hướng lăng lên trong những ngày vừa qua. Theo Bộ Y tế, tính đến 7h00 ngày 30/3/2020, tại Việt Nam có 194 người bị nhiễm Covid-19 tại 27 tỉnh, thành phố.
Tại Hà Nội, tính đến 7h00 ngày 30/3/2020, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 71 truờng hợp có xét nghiệm dương tính. Trong đó 46 người nhập cảnh; 25 người lây thứ phát tại cộng đồng.
Trong 3 ngày qua, UBND Thành phố đã họp đột xuất và ban hành các công điện chỉ đạo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là chỉ đạo về việc xử lý các vấn đề liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai.
Các quận, huyện thị xã báo cáo, theo danh sách dữ liệu trích xuất từ bệnh viện Bạch Mai, có tổng số 1.591 trường hợp bệnh nhân nội trú bệnh viện Bạch Mai từ ngày 15/3 được gửi về Hà Nội để rà soát.
Kết quả đã xác minh được 1.288 trường hợp đang ở tại Hà Nội; đã lấy được 865 mẫu bệnh phẩm và đã xét nghiệm được 228 mẫu, kết quả đều âm tính.
Đối với những trường hợp người liên quan khác như bệnh nhân khám ngoại trú, người đến chăm sóc, thăm người bệnh, học viên đi học... hiện nay đã điều tra được 9.062 trường hợp, đã tổ chức chức cách ly được 6.898 trường hợp chưa qua 14 ngày; thực hiện lấy mẫu đối với 230 trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh; 33 mẫu đã có kết quả trong đó có 03 trường hợp dương tính (là nguời chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện).
Nhận định, dịch bệnh kéo dài sẽ tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND TP cho rằng: Với diễn biến hiện nay, rất có thể toàn bộ hệ thống giáo dục của chúng ta sẽ không thể cho học sinh đi học vào ngày 15/4. Bên cạnh đó, ngành hàng không gần như đã dừng hoạt động. Toàn bộ người lao động trong ngành dịch vụ khách sạn đã không còn việc làm…
“Nếu không dự báo đúng tình hình đưa đưa ra các biện pháp chính xác, rất có thể chúng ta sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của người thân của chúng ta”, Chủ tịch Hà Nội nói.
Từ ngày 6/3 đến nay, các ổ dịch nhỏ tại Hà Nội đều đã được phát hiện và dập dịch tương đối triệt để. Nhưng giai đoạn hiện nay là giai đoạn rất nghiêm trọng, ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai hiện đang là nơi nguy hiểm nhất.
Hà Nội nguy hiểm hơn khi có thể xuất hiện những ca nhiễm tại Bệnh viện Bạch Mai sẽ lây nhiễm ra người bệnh, người nhà và người khác chỉ trong vòng thời gian ngắn. Khi đã lây và phát tán, dịch bệnh sẽ phát triển rất nhanh, nếu không có các biện pháp dứt khoát, dịch bệnh sẽ lây theo cấp số nhân của cấp số nhân. Thực tế tình hình dịch bệnh trên thế giới đã chứng minh điều đó.
Vì thế, Hà Nội phải hành động nhanh chóng và dứt khoát, không có thời gian để bàn bạc. Cần phải định hình lại nguồn lực, các vật tư y tế; khẩn trương tổ chức nhân lực có khả năng lấy mẫu xét nghiệm.
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai gửi lời "xin lỗi" vì ảnh hưởng đến Hà Nội
Chủ tịch Hội đồng quản lý bệnh viện Bạch Mai Ngô Quý Châu tại cuộc họp sáng 30/3. Ảnh: Công Thọ
Phát biểu tại phiên họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố Hà Nội, quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai Ngô Quý Châu nói: “Trước hết, thay mặt tập thể bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai rất xin lỗi các đồng chí. Ổ dịch Bạch Mai đã làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của thành phố. Chúng tôi cũng rất cảm ơn sự chỉ đạo sát sao, hỗ trợ của lãnh đạo UBND thành phố, Sở Y tế, CDC hà Nội và các quận huyện. Đặc biệt là UBND Đống Đa đã hết sức giúp đỡ Bệnh viện Bạch Mai”.
Ông Châu cho biết, ngay từ 19/3, sau khi phát hiện ra các ca đầu tiên là 2 điều dưỡng, tại buổi họp tại Bộ Y tế chiều tối 20/3, có sự tham dự của lãnh đạo các vụ, cục của Bộ Y tế, CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai đã chính thức đề nghị Bộ Y tế và CDC Hà Nội vào hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai điều tra dịch tễ học và hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm. Vì vào thời điểm ấy, đơn vị vi sinh của Bệnh viện Bạch Mai cũng mới được cấp phép, số lượng còn rất hạn chế.
“Sau đó một loạt các ca đã được phát hiện, chúng tôi cũng đã cố gắng lấy mẫu. Cho đến thời điểm này đã lấy được 7.300 mẫu, gần 7.000 mẫu đã âm tính. Còn khoảng 400 mẫu hiện đang làm tại labo của Bệnh viện Đại học Y, có thể trưa 30/3 có kết quả”, ông Châu nói.
Đặc biệt, ngoài 2 nhân viên của Trung tâm Bệnh Nhiệt đới và số nhân viên công ty Trường Sinh, đến thời điểm này tất cả bác cán bộ nhân viên của Bạch Mai, trong đó có cả bản thân ông, đã âm tính.
Theo GS Châu, điều không may mắn là sự việc phát sinh vào đúng lúc Bệnh viện Bạch Mai đang chuyển giao ban lãnh đạo. Ngày 16/3, GS Nguyễn Quang Tuấn được điều về làm Giám đốc bệnh viện Bạch Mai. Ban Giám đốc hiện nay chỉ còn 2 người là GS Nguyễn Quang Tuấn và TS Dương Đức Hùng, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn. Còn đồng chí Nguyễn Ngọc Hiền thì 1/4 nghỉ hưu.
Theo ông Châu, hiện đã triển khai phong tỏa cách ly toàn bệnh viện, có tới 15 nhân viên công ty Trường Sinh mắc bệnh nên toàn bộ việc cung cấp dinh dưỡng của bệnh nhân, nhân viên y tế phải dừng. Bệnh viện đã liên hệ với Công ty Vasco của hàng không chuyển thức ăn. Bệnh viện rất cám ơn Chủ tịch thành phố đã chỉ đạo điều chuyển hơn 600 người nhà bệnh nhân lên Hoà Lạc cách ly, giảm gánh nặng rất nhiều cho bệnh viện.
Ông Châu cũng chia sẻ, có một số khó khăn nữa, đề nghị Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo hỗ trợ. Cụ thể, trong thời gian tới cho phép CDC Hà Nội hỗ trợ lấy lại mẫu tất cả nhân viên bệnh viện và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân còn lại.
Ông Châu cũng kiến nghị cho phép Khách sạn Mường Thanh trở thành khu cách ly để luân chuyển nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục làm việc vì có những trường hợp bệnh nhân phải thực hiện cách ly 28 ngày. Nếu không có chỗ cho cán bộ, nhân viên bệnh viện vừa cách ly vừa nghỉ ngơi, thì khó có thể trụ được một cách bền vững.
Đồng ý với đề xuất của ông Châu, Chủ tịch Hà Nội giao Sở Y tế TP Hà Nội hướng dẫn bệnh viện hoàn thành các thủ tục theo quy định về lập khu cách ly, để các y bác sỹ được cách ly tại khách sạn Mường Thanh.
Ông Nguyễn Đức Chung đề nghị bệnh viện sớm lấy mẫu xét nghiệm lần 2 với toàn bộ y bác sỹ, đồng thời động viên đội ngũ nhân viên y tế tại đây để mọi người yên tâm thực hiện nghiêm việc cách ly cũng như chăm sóc, chữa trị cho các bệnh nhân.