Lãnh đạo Amazon: Người bán hàng Việt Nam có nhiều lợi thế trong lĩnh vực thương mại điện tử

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng, các nhà bán hàng Việt đã phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, mà điểm nổi bật chính là tầm nhìn và quan điểm dài hạn, thay vì lợi nhuận ngắn hạn như trước đây.
Lãnh đạo Amazon: Người bán hàng Việt Nam có nhiều lợi thế trong lĩnh vực thương mại điện tử

Ông có thể chia sẻ những điều ông thấy ấn tượng nhất về các bán hàng Việt Nam thành công trên Amazon trong thời gian qua?

Lần đầu tiên tôi tới Việt Nam là vào một chuyến công tác năm 2017, khi đó tôi đã thấy nhiều nhà bán hàng háo hức kinh doanh trực tuyến. Bây giờ, sau 7 năm, chúng tôi ghi nhận sự phát triển vượt bậc, như sự gia tăng hơn 300% về quy mô và các con số đáng kể khác. Nhưng, không chỉ là quy mô, chất lượng thậm chí còn ấn tượng hơn.

Ban đầu hoạt động bán hàng chủ yếu là các sản phẩm đơn giản và nhiều nhà bán hàng tập trung vào việc kiếm tiền nhanh chóng, rất nhiều nhắm đến lợi ích ngắn hạn. Tuy nhiên, bây giờ tôi thấy nhiều doanh nghiệp đã có tầm nhìn và quan điểm dài hạn. Không ít nhà bán hàng đã tăng trưởng doanh số bán hàng lên tới con số hàng triệu USD, mở rộng thành nhiều tệp người bán và danh mục sản phẩm ở Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam?

Năm 2024, chúng ta tiếp tục chứng kiến số lượng đối tác bán hàng Việt Nam kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử toàn cầu gia tăng liên tục. Amazon cũng không phải ngoại lệ. Đó là sự phát triển không chỉ về quy mô, mà còn ở chủng loại sản phẩm và thương hiệu.

Tôi muốn nhìn dài hơn vào chặng đường 5 năm qua, theo đó, các sản phẩm được bán bởi các đối tác bán hàng của Amazon Việt Nam đã tăng hơn 300%. Ngoài ra, số lượng nhà bán không chỉ bán sản phẩm mà còn tham gia chương trình đăng ký thương hiệu đã tăng 35 lần.

Năm 2024, sự tham gia sôi động của các nhà bán hàng thương mại điện tử xuyên biên giới tiếp tục phát triển.

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam

Đâu là những thách thức đối với doanh nghiệp hoặc nhà bán hàng khi xúc tiến sản phẩm ra thị trường toàn cầu?

Theo tôi, có 2 thách thức lớn nhất. Thứ nhất là việc quyết định nên bán sản phẩm nào. Điều này liên quan đến việc hiểu nhu cầu thị trường, quy định thị trường và tuân thủ quy luật sản phẩm, từ đó lựa chọn sản phẩm và thị trường đúng đắn.

Ngoài ra, khi phát triển sản phẩm, nhà bán hàng cần linh hoạt để có thể kết hợp nhu cầu của khách hàng vào quá trình phát triển sản phẩm. Họ cần đáp ứng nhu cầu của thị trường và khách hàng nhanh chóng, quá trình này nên diễn ra thật nhanh gọn. Đây là một phần quan trọng và rất thách thức đối với nhiều nhà bán hàng chưa quen với tốc độ của nền thương mại điện tử xuyên biên giới và thương mại điện tử toàn cầu nói chung.

Thách thức lớn thứ hai là chi phí, đặc biệt là chi phí logistics. Hãy tưởng tượng bán sản phẩm từ Việt Nam sang Hoa Kỳ - điều đó đòi hỏi rất nhiều tiền, đặc biệt là cho logistics, vận chuyển đầu vào và quản lý hàng tồn kho. Amazon cung cấp nhiều công cụ và dịch vụ, vì vậy nhà bán hàng trước nhất cần hiểu về những công cụ và chương trình họ nên dùng. Tiếp theo, họ cần tìm ra cách sử dụng những công cụ và chương trình này để tối ưu hóa lợi ích khi sản xuất sản phẩm, đàm phán với nhà cung cấp và thiết kế chuỗi cung ứng kết hợp tất cả những công cụ và chương trình này. Điều này sẽ giúp họ cải thiện cấu trúc chi phí và giải quyết được vấn đề này.

Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã tham gia chương trình Shark Tank và cũng đang bán hàng trên Amazon. Ông nghĩ sao về điều này?

Trước đây, những ngày đầu của Shark Tank Vietnam, nhiều startup tập trung vào thị trường nội địa. Tuy nhiên, xu hướng này đang thay đổi rõ rệt khi ngày càng nhiều startup nhận ra tiềm năng của thương mại điện tử xuyên biên giới.

Nhiều startup trước đây gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế và xây dựng thương hiệu hiệu quả. Với nguồn lực hạn chế, họ thường chỉ tập trung vào thị trường nội địa. Tuy nhiên, nhận thức về thương mại điện tử xuyên biên giới và các nền tảng như Amazon Global Selling đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Điều này giúp các chủ doanh nghiệp nhỏ, startup dễ dàng tiếp cận thông tin và tìm kiếm sự hỗ trợ để mở rộng ra toàn cầu. Đặc biệt, nhiều startup từ Shark Tank đang hướng đến Amazon với tham vọng toàn cầu hóa.

Đâu là những lợi thế của các đối tác Việt Nam trong thương mại điện tử toàn cầu?

Các đối tác Việt Nam có nhiều lợi thế trong lĩnh vực thương mại điện tử. Việt Nam là quốc gia chú trọng đến xuất khẩu và được chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ thông qua các sáng kiến thúc đẩy kinh tế. Ngoài ra, các nhà máy và các chủ doanh nghiệp Việt Nam có thâm niên trong xuất khẩu, với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, đây là một lợi thế đáng kể. Bên cạnh đó, một cộng đồng doanh nhân trẻ đầy năng động đang đạt được thành công không chỉ trên Amazon mà còn trên nhiều nền tảng thương mại điện tử khác, cho thấy sự hiểu biết sâu sắc về ngành thương mại điện tử.

Sự phát triển của ngành sản xuất tại Việt Nam cũng thu hút đầu tư quốc tế, khi nhiều thương hiệu lớn chuyển dịch nhà máy đến đây, tăng cường năng lực sản xuất và xuất khẩu. Sự đầu tư này không chỉ hỗ trợ các thương hiệu lớn mà còn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ hơn, góp phần vào sự phát triển của sản xuất địa phương.

Vậy ông có đề xuất hoặc giải pháp nào để thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới không?

Mọi lĩnh vực thị trường đều cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ. Những gì chúng tôi đang làm hiện nay với chính phủ là tiếp tục cố gắng giúp họ hiểu rõ hơn về mô hình kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới. Chúng tôi cũng đang làm việc để kết nối chính phủ với nhà bán hàng để họ có thể hiểu rõ hơn về những vấn đề thực tế của các đối tác bán hàng, giúp họ thiết kế và định hình chính sách hiệu quả hơn.

Đó là một cách tiếp cận mà chúng tôi đang thực hiện. Cách tiếp cận thứ hai là hợp tác với các cơ quan chính phủ để cung cấp nhiều cơ hội giáo dục cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) địa phương. Ví dụ, chúng tôi đang thúc đẩy và đã ra mắt chương trình có tên là Kỷ nguyên Đột phá Thương mại Điện tử Xuyên biên giới. Đây là một chương trình chúng tôi ra mắt cùng với EBA và NYT với mục tiêu đào tạo 10.000 chuyên gia Việt Nam về kiến thức kinh tế xuyên biên giới. Chúng tôi đang tiếp tục phát triển các sáng kiến hợp tác như vậy với các cơ quan chính phủ, chuyên gia ngành và hiệp hội để cung cấp nhiều cơ hội học hỏi hơn cho các doanh nghiệp SMEs.

Hình ảnh tại Hội nghị Thương mại điện tử Xuyên biên giới 2024

Hình ảnh tại Hội nghị Thương mại điện tử Xuyên biên giới 2024

Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đang là mục tiêu quan trọng trong chính sách kinh tế của Việt Nam. Vậy những đóng góp của thương mại điện tử xuyên biên giới đối với sự phát triển bền vững tại Việt Nam, đặc biệt trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam là gì?

Amazon đã khởi xướng nhiều sáng kiến nhằm tăng cường tính bền vững, bao gồm việc thành lập Trung tâm Giải pháp Bền vững, nơi các nhà bán hàng có thể tìm hiểu về các hoạt động xanh của Amazon. Một trong những sáng kiến nổi bật là chương trình đóng gói sản phẩm thân thiện với môi trường, cho phép nhà bán hàng sử dụng bao bì riêng thay vì hộp của Amazon, từ đó giảm thiểu lãng phí.

Ngoài ra, Amazon còn triển khai biểu tượng Amazon Climate Pledge Friendly để đánh dấu các sản phẩm bền vững, được kiểm định nghiêm ngặt về nguồn gốc nguyên liệu và quy trình sản xuất. Điều này giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Những sáng kiến này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững tại Việt Nam.

Tin bài liên quan