Tháng 2/2016, Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát (trụ sở tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và CTCP Đầu tư thương mại Gelexim (trụ sở tại tầng 6,Tòa nhà Geleximco, 36 Hoàng Cầu, Hà Nội) có ký hợp đồng phân phối mặt hàng giấy in, photocopy và viết dạng cuộn hoặc tờ do Nhà máy giấy An Hòa sản xuất.
Phạm vi phân phối tại thị trường Nam Việt Nam, từ Đắc Lắc, Khánh Hòa đến Cà Mau.
Công ty Minh Cường Phát thanh toán tiền hàng chậm nhất vào ngày hàng cập cảng TP Hồ Chí Minh và được hưởng chính sách chiết khấu tháng/quý/năm khi đạt sản lượng nhất định theo thỏa thuận.
Hợp đồng có thời hạn từ ngày 1/2/2016 đến 31/12/2016.
Đến tháng 4/2016, hai bên ký phụ lục hợp đồng. Theo đó, chính sách về sản lượng đặt hàng và tỷ lệ chiết khấu đã thay đổi.
Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Minh Cường Phát đã thanh toán tiền hàng đầy đủ, tổng số tiền hàng là hơn 59 tỷ đồng bằng cách chuyển khoản và đối trừ các khoản chiết khấu.
Tính đến 30/11/2016, số công nợ bao gồm tiền lấy hàng còn dư và chiết khấu của Công ty Gelexim tại Công ty Minh Cường Phát là hơn 2 tỷ đồng.
Công ty Minh Cường Phát nhiều lần đề nghị lấy hàng tiếp tương ứng với số công nợ nhưng Công ty Gelexim không đáp ứng hàng hóa và cũng không trả tiền.
Do đó, Công ty Minh Cường Phát khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Công ty Gelexim thanh toán hơn 2,2 tỷ đồng nợ gốc và lãi.
Tại Tòa, Công ty Gelexim khai, hai bên ký hợp đồng từ năm 2015. Hợp đồng năm 2015 đã thực hiện xong. Hợp đồng năm 2017 đã ký nhưng chưa thực hiện. Hợp đồng năm 2016 đang có tranh chấp.
Sở dĩ Công ty Gelexim không trả số tiền hơn 2 tỷ là do việc tính toán lại số tiền chiết khấu. Theo Công ty Gelexim, tỷ lệ chiết khấu căn cứ vào đơn đặt hàng sản xuất mới trong tháng và tỷ lệ sản lượng hàng thực nhận.
Hàng tháng, Công ty Minh Cường Phát đặt hàng nhiều chủng loại trong một đơn hàng và chỉ nhận một phần trong tháng đặt hàng, số còn lại lấy trong nhiều tháng tiếp theo.
Đối chiếu số lượng đặt hàng thực nhận và điều kiện hưởng chiết khấu thì Công ty Minh Cường Phát chỉ đủ điều kiện nhận chiết khấu theo tháng là 4,7%, tổng số tiền là 2,7 tỷ đồng.
Trong khi đó, kế toán Công ty Gelexim đã xác định không chính xác khoản chiết khấu mà Công ty Minh Cường Phát được nhận dẫn đến việc xuất hóa đơn ghi nhận khoản chiết khấu hơn 5,2 tỷ đồng cho Công ty Minh Cường Phát.
Sau khi tính toán, Gelexim cho rằng, Công ty Minh Cường Phát không còn tiền hàng thừa mà còn phải trả lại hơn 400 triệu đồng.
Theo Gelexim, tháng 11/2016, Công ty Minh Cường Phát có công văn đề nghị với nội dung: Công ty Minh Cường Phát đã đặt 758 tấn hàng và thực tế đã lấy 754 tấn. Do kho quá tải, lượng tiêu thụ chậm nên không lấy hàng nữa. Số tiền hàng còn lại của đơn hàng chuyển sang tháng 1/2017.
Gelexim cho rằng, chính Công ty Minh Cường Phát mới là bên vi phạm nghĩa vụ nghiêm trọng khi đơn phương tuyên bố không lấy hàng và đề nghị chuyển tiền hàng còn lại sang năm 2017.
Được biết, khi ký hợp đồng mua bán, Công ty Gelexim đưa ra chính sách chiết khấu dựa trên sản lượng hàng đặt sản xuất mới. Sau đó, Gelexim đã thay đổi chính sách, tính chiết khấu dựa trên sản lượng hàng đặt sản xuất mới và hàng thực nhận. Do đó, hai bên ký phụ lục hợp đồng vào tháng 5/2016.
Tòa án đã xác định lại số tiền chiết khấu mà Công ty Minh Cường Phát được hưởng trong năm 2016 là 4,1 tỷ đồng.
Sau khi đối trừ số tiền mua hàng, Công ty Gelexim còn phải trả cho Công ty Minh Cường Phát số tiền 997,8 triệu đồng và lãi 160 triệu đồng.
Tổng cộng, Công ty Gelexim phải trả cho nguyên đơn 1,1 tỷ đồng.