Nhu cầu truyền thông chính sách luôn hiện hữu
Trên thực tế, việc xuất hiện những quan điểm khác nhau, thậm chí phản đối quyết liệt luôn là một phần tất yếu khi ban hành hay triển khai một chính sách mới, bởi dù mục tiêu hướng tới mọi đối tượng, mọi thành phần kinh tế, nhưng không một chính sách nào có thể bao quát được toàn bộ lợi ích của tất cả các bên. Vì vậy, lợi ích số đông, lợi ích ưu tiên cho đối tượng yếu thế trong mối quan hệ giữa các chủ thể Nhà nước - người dân - doanh nghiệp/tổ chức luôn phải là mục tiêu hàng đầu và các cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu này.
Tuy vậy, phải thừa nhận rằng, sự phối hợp truyền thông chính sách giữa nhiều chủ thể với các cơ quan báo chí nhằm tạo sự đồng thuận từ quá trình lên ý tưởng, góp ý, đến ban hành và thực thi còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng “truyền mà không thông” hoặc “thông nhưng chưa được truyền” còn diễn ra phổ biến.
Điểm chung sau những diễn đàn cấp cao, hội thảo, tọa đàm, talkshow, giao lưu trực tuyến hay những tuyến bài nội dung chuyên sâu về các chính sách mới đang hoặc sắp ban hành do Báo Đầu tư triển khai là sự phản hồi tích cực của độc giả khi các nội dung bám sát vào các vấn đề thực tiễn, có sự phản biện đa chiều, qua đó góp phần sửa đổi chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đi kèm những lời chia sẻ, động viên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân cũng bày tỏ sự mong muốn có được nhiều mô tuýp chương trình như vậy hơn, lý do bởi những biến số địa chính trị từ bên ngoài, sự biến động trong hoạt động nội tại nền kinh tế xuất hiện ngày một nhiều, bởi vậy vai trò cầu nối của báo chí cần thể hiện rõ nét hơn để nhanh chóng giúp người dân, doanh nghiệp gửi tới cơ quan quản lý những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, từ đó sớm đưa ra các giải pháp tháo gỡ, giảm thiểu những thiệt hại không đáng có. Đây là thực trạng từng diễn ra trước đây và cách tháo gỡ duy nhất như nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ là chỉ có đi “một mình” và trực tiếp đến “cửa quan” để kêu mà chưa chắc đã có hiệu quả.
Sự phối hợp truyền thông chính sách giữa các chủ thể với các cơ quan báo chí còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng “truyền mà không thông” hoặc “thông nhưng chưa được truyền” còn diễn ra phổ biến.
Đơn cử, câu chuyện về 3 sắc luật mới gồm Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023, như chia sẻ của TS. Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) kiêm Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), việc phối hợp hiệu quả cùng các cơ quan báo chí ngay từ khâu xây dựng chính sách cho đến khâu triển khai và tiếp nhận ý kiến phản biện từ thị trường đã giúp các cơ quan soạn thảo tiếp cận đầy đủ, đa chiều các góc nhìn, từ đó có sự điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tiễn, giúp đẩy nhanh tiến trình tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các doanh nghiệp, dự án.
Ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc SGO Homes cho hay, sẽ cần thêm thời gian để quy định mới thẩm thấu sâu hơn vào cuộc sống, thậm chí có thể cần chỉnh sửa, bổ sung ở các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành bởi trong quá trình triển khai trên thực tiễn sẽ còn phát sinh những vấn đề, nhưng không khó để thấy các luật mới đã có sự hoàn thiện, đồng bộ và rõ ràng hơn so với trước đây, mang lại niềm tin cho thị trường.
Cũng cần phải nói thêm rằng, cách thức tiếp cận thông tin đa dạng, không khu biệt qua các hình thức văn bản, đồng thời có sự nhập cuộc chủ động của các cơ quan báo chí, phản biện cả những vấn đề trước đây được coi là “nhạy cảm” khi liên quan trực diện tới lợi ích của nhiều bộ, ngành, địa phương… giúp các luật mới có tính toàn diện, bao quát và đảm bảo cân bằng lợi ích các chủ thể bị ảnh hưởng hơn.
Là một chuyên gia trong lĩnh vực nhà ở xã hội, ông Nguyễn Hoàng Nam - Tổng giám đốc G-Homes chia sẻ, giờ ông “dám” nói nhiều và trực diện hơn về những góc khuất của phân khúc này, điều mà trước đây phải cân nhắc rất kỹ.
“Ở góc độ chuyên môn, hiểu sâu về phân khúc nhà ở xã hội, tôi cũng chỉ chia sẻ những gì mình thấy, mình biết và mình gặp phải với tinh thần góp thêm tiếng nói để mong cơ quan quản lý gỡ khó giúp doanh nghiệp và người dân, nhưng điều này trước đây thực sự rất hiếm và hầu hết đều không trực diện”, ông Nam nói.
Để vai trò “cầu nối” rõ nét hơn
Theo TS. Trần Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS), cộng đồng doanh nghiệp, báo chí và người làm chính sách có mối quan hệ mật thiết với nhau, tham gia tích cực vào việc xây dựng chính sách, pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước. Tuy mỗi lĩnh vực, tổ chức hay con người làm việc ở những môi trường khác nhau nhưng lại liên quan đến nhau, bổ trợ cho nhau để hướng tới cùng một mục đích là phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.
“Báo chí là kênh thông tin chính thống đáng tin cậy, luôn định hướng đúng và có ích cho doanh nghiệp, đưa những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới doanh nghiệp, người dân. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng, họ có được những kết quả tích cực trong hoạt động sản xuất - kinh doanh một phần là nhờ những thông tin hữu ích, mang tính dự báo có độ chính xác cao và kịp thời từ các cơ quan báo chí. Nhiều doanh nghiệp thông qua kênh báo chí để thực hiện trách nhiệm xã hội, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng…”, ông Văn nói.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cũng nhìn nhận, đối với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí luôn đồng hành để có chung tiếng nói, là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp. Báo chí vừa tuyên truyền chủ trương, đường lối, vừa có những phản biện xã hội mang tính kịp thời, trao đổi theo hướng đa chiều để Nhà nước kịp thời nắm bắt những vấn đề liên quan đến khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế.
“Khi xã hội đòi hỏi sự công bằng hơn, tiến bộ hơn, phù hợp với quá trình hội nhập và thông lệ quốc tế thì hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước cần phải được thay đổi theo hướng hoàn chỉnh hơn. Để làm được điều này rất cần vai trò của báo chí trong việc truyền tải tiếng nói của người dân, cộng đồng doanh nghiệp đến với Nhà nước”, ông Điệp nhấn mạnh.
Thực tế, sự phát triển của mạng xã hội và Internet cho phép các bài viết góp ý, phản biện chính sách được lan truyền nhanh hơn, mạnh hơn, song cũng đặt ra không ít thách thức, bởi không phải điều gì cũng cần phản biện và sự phản biện cần phải xuất phát từ cơ sở khoa học. Có một điểm chung lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cũng như người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước chia sẻ với người viết rằng: “Một mặt rất ủng hộ tinh thần góp ý, phản biện từ thị trường, nhưng mặt khác cũng e ngại sự phản biện biến thành… khủng hoảng truyền thông”.
“Việc tôn trọng ý kiến phản biện luôn được khuyến khích, miễn sao có cơ sở, nhưng nguy cơ chỉ viện dẫn một vài ý kiến của thiểu số để đại diện cho số đông người thụ hưởng là điều dễ xảy đến và biến thành những cuộc tranh luận không đáng có, thậm chí trở thành cuộc khủng hoảng truyền thông trong trường hợp người trong cuộc đôi khi vì một lý do nào đó phát ngôn của họ bị hiểu không chính xác”, lãnh đạo một doanh nghiệp nói.