Tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, những người phụ nữ ở phường Hà Trung đã có một hành động rất ý nghĩa khi phân loại rác thải nhựa, chai nhựa để làm thành những viên gạch.
Những viên gạch đặc biệt này được dùng để xây dựng các công trình công ích phục vụ cho nhu cầu của cư dân nơi đây.
Ðây là chương trình do Coca-Cola Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (Greenhub) triển khai, nhằm nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Túi nilon là loại rác thải nhựa rất khó tái chế, tuy nhiên, những người phụ nữ ở phường Hà Trung có một cách làm táo bạo để tận dụng chúng.
Túi nilon sẽ trở thành lõi cho những chai gạch nhựa.
Những chai gạch sinh thái Ecobrick giúp phụ nữ Quảng Ninh không chỉ tích cực, chủ động trong phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa, mà còn giúp họ có thêm thu nhập thông qua việc thu gom chai nhựa và phế liệu, tạo ra các sản phẩm chất lượng có thể bán ra thị trường.
Hành động thiết thực này góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng, chung tay bảo vệ môi trường.
Một hành động thiết thực khác là chiến dịch phủ xanh Việt Nam của nhãn hàng OMO Matic, hàng ngàn cây xanh đã được trồng khắp cả nước.
Ðại diện nhãn hàng - Công ty TNHH Unilever Việt Nam cho biết, chương trình được thực hiện từ tháng 9/2019 nhằm chung tay bảo vệ bầu không khí và mang đến nhiều sân chơi được phủ xanh cho thiếu nhi.
Qua những hoạt động ý nghĩa, chương trình đã kêu gọi mọi người giảm thiểu phát thải, trồng cây tăng mảng xanh.
Việc bảo tồn mảng thực vật còn có ý nghĩa trong việc ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, chương trình phát động phong trào “Góc xanh học đường” tại nhiều trường tiểu học trên cả nước, giúp các em nhỏ quan tâm đến thiên nhiên được tự do lấm bẩn thông qua việc trồng cây, cải thiện điều kiện cây xanh, môi trường học tập xanh ở trường học.
Xu hướng sống xanh ngày càng được người dân ưa chuộng và lan tỏa trong cộng đồng với những hành động nhỏ nhất được thực hiện trong cuộc sống hàng ngày.
Trẻ em bắt đầu hình thành ý thức hạn chế sử dụng túi nilon, chai nhựa, cốc nhựa… Người dân dần có thói quen sử dụng những sản phẩm có thể tái chế như ống hút giấy, ống hút cỏ, cốc giấy...
Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường được cộng đồng ủng hộ.
Ngược lại, những chuỗi nhà hàng, café... sử dụng nguyên vật liệu không thân thiện với môi trường bị lên án, buộc phải thay đổi.
“Ðổi giấy lấy cây” là hoạt động phổ biến được nhiều doanh nghiệp, tổ chức triển khai trong năm qua như Vietravel, ThaihaBook, Green Life, Gisers…, giúp lan tỏa những hành động đẹp bảo vệ môi trường
Ở khối doanh nghiệp sản xuất, xây dựng những nhà máy tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường được nhiều doanh nghiệp chú trọng. Ðơn cử, là doanh nghiệp làm chậm mà chắc, Công ty cổ phần Ðầu tư thương mại TNG đã gặt hái được nhiều thành công cùng triết lý phát triển bền vững.
Công ty triển khai dự án nhà máy xanh theo tiêu chuẩn Leed, Lotus, với các tiêu chí tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguồn nước, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, xây dựng hệ sinh thái xanh, quản lý chất thải và ô nhiệm, đảm bảo sức khỏe người lao động và bảo vệ môi trường.
Ngoài lĩnh vực dệt may, khi hướng sang bất động sản, các dự án mà TNG triển khai cũng hướng đến yếu tố xanh, xây dựng cộng đồng sống xanh như dự án TNG Village, TNGreen…
Tiêu chí sống xanh, xây dựng khu đô thị xanh được các chủ đầu tư lớn đặc biệt coi trọng để thực hiện dự án và là yếu tố đòn bẩy thu hút khách hàng đến với dự án.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho biết, so với các nước có cùng trình độ phát triển, Việt Nam đang vượt lên trong cuộc đua xanh.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững toàn diện, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để thu hút nhiều hơn các nguồn lực tư nhân.
Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam ngày nay quan tâm đến việc chuyển đổi từ mô hình phát triển truyền thống sang kinh tế tuần hoàn, đây là một xu hướng phát triển bền vững, đạt được cả 2 mục tiêu ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên (đầu vào) và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển (đầu ra).
Bước vào thập kỷ mới, khi nguồn tài nguyên là hữu hạn, doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn đến các hoạt động sản xuất gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, hướng tới xây dựng cộng đồng văn minh, hiện đại.