Techcombank đặt kế hoạch tăng vốn gấp đôi, từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng trong năm nay

Techcombank đặt kế hoạch tăng vốn gấp đôi, từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng trong năm nay

Làn sóng tăng vốn của các ngân hàng vẫn tiếp diễn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Mùa đại hội cổ đông năm nay, các nhà băng tiếp tục trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ, thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, chia thưởng cổ phiếu và phát hành ESOP và gọi vốn mới… với quy mô lớn.

Dồn dập tăng vốn

Mùa đại hội cổ đông thường niên 2024, hàng loạt ngân hàng trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ. Chẳng hạn, Techcombank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ gấp đôi, từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Nguồn vốn chủ sở hữu dự kiến sử dụng để tăng vốn điều lệ bao gồm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần căn cứ trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023. Tỷ lệ phát hành là 100%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 100 cổ phiếu mới.

Đại hội cổ đông MB cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 8.579 tỷ đồng trong năm 2024. Trong đó, Ngân hàng sẽ tăng vốn thêm 7.959 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2024 đến quý II/2025. Sau khi hoàn thành hai kế hoạch tăng vốn trên, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ tăng lên 61.643 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023. Trước đó, MB đã hoàn tất kế hoạch phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho hai cổ đông là SCIC và Viettel.

ACB có kế hoạch chia cổ tức năm 2023 theo tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng sử dụng 9.710 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức. Với phương án này, ACB sẽ phát hành thêm 582 triệu cổ phiếu, qua đó, vốn điều lệ tăng thêm 5.820 tỷ đồng, lên 44.666 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành là quý III/2024.

Đại hội cổ đông VIB cũng thông qua phương án chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 29,5% vốn điều lệ (trong đó, mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 17%) và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên theo tỷ lệ 0,44%. Theo đó, VIB sẽ phát hành 431,3 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, giúp vốn điều lệ của Ngân hàng tăng thêm 4.312,6 tỷ đồng. VIB cũng phát hành 11,1 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ, nhân viên, tỷ lệ 0,44%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 110,6 tỷ đồng. Tổng cộng, sau khi hoàn thành hai cấu phần trên, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ 25.368 tỷ đồng lên 29.791 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng vốn 17,44%.

Sau khi tăng vốn điều lệ thêm gần 8.300 tỷ đồng trong năm 2023, LPBank tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2024. Với vốn điều lệ đạt hơn 25.500 tỷ đồng, hiện LPBank là ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ 10 trong hệ thống.

Đại hội cổ đông thường niên 2024 của Nam A Bank cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ trên 10.580 tỷ đồng lên 13.725 tỷ đồng trong năm nay. Cụ thể, Ngân hàng sẽ phát hành trên 264,5 triệu cổ phần để chia thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 25% từ lợi nhuận chưa phân phối, tức sử dụng hơn 2.645 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Nam A Bank phát hành 50 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP), huy động 500 tỷ đồng. Hội đồng quản trị Nam A Bank cho biết, việc tăng vốn từ phát hành cổ phiếu ESOP sẽ được thực hiện sau khi đã thực hiện tăng vốn từ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Mục tiêu của Ngân hàng là đến năm 2025, vốn điều lệ sẽ đạt khoảng 16.200 tỷ đồng.

Làm dày “bộ đệm” rủi ro

Vốn điều lệ đóng vai trò như một “bộ đệm”, đem lại nguồn lực cần thiết cho các ngân hàng đối phó với những thách thức và biến động trong môi trường kinh tế không ổn định...

ACB cho hay, việc tăng vốn là hết sức cần thiết nhằm bổ sung nguồn vốn trung dài hạn cho hoạt động tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ, đầu tư cơ sở vật chất, các dự án chiến lược của Ngân hàng.

Còn với Nam A Bank, mục tiêu tăng vốn được Hội đồng quản trị Ngân hàng cho hay là nhằm tăng cường năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động ngân hàng như mua sắm, đầu tư tài sản cố định, cải tiến cơ sở vật chất; nâng cao công nghệ ngân hàng; phát triển nguồn nhân lực. Việc tăng vốn tạo điều kiện tăng quy mô mở rộng hoạt động kinh doanh như cho vay, đảm bảo việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch và gắn kết lợi ích của người lao động với kết quả hoạt động của Nam A Bank.

Không chỉ khối ngân hàng tư nhân, mà ngay cả nhà băng lớn cũng không đứng ngoài cuộc đua tăng vốn điều lệ. Mới đây, Vietcombank trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2022. Đồng thời, Hội đồng quản trị Ngân hàng đã phê duyệt phương án này, với kế hoạch dùng 21.700 tỷ đồng lợi nhuận năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Phương án này sẽ cần được trình lên Ngân hàng Nhà nước để xin ý kiến.

Trước đó, trong năm 2023, Vietcombank đã phát hành 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1%, nâng tổng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng, từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 và 2020. Nếu được tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận năm 2022, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng lên hơn 77.500 tỷ đồng.

Tương tự, VietinBank cũng đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng hồi đầu năm nay, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Trần Minh Bình kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho VietinBank cũng như các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính. Hiện tại, VietinBank đã nhận được ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trên cơ sở đó, VietinBank đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để tăng vốn; phê duyệt chủ trương cho phép Ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Thống kê cho thấy, năm 2023 ghi nhận kỷ lục tăng vốn điều lệ của ngành ngân hàng. Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại (không kể các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh) là hơn 760.000 tỷ đồng, tăng hơn 100.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Trong số 27 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán, ghi nhận có 20/27 ngân hàng đã tăng vốn. Trong đó, VPBank là ngân hàng có vốn điều lệ tăng mạnh nhất trong năm 2023. Sau khi hoàn tất việc bán 15% cổ phần cho Tập đoàn SMBC (Nhật Bản), VPBank có nguồn lực tài chính hết sức dồi dào. Theo đó, VPBank đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 67.400 tỷ đồng lên hơn 79.300 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống và bỏ khá xa các ngân hàng Top 2, Top 3.

Cũng theo thống kê trên, hệ số an toàn vốn (CAR) của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN tính đến tháng 1/2024 đạt 11,84%, trong đó nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đạt 9,72%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 11,89%.

Theo giới chuyên gia, nhu cầu tăng vốn điều lệ của các ngân hàng xuất phát từ việc gia tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ..., đặc biệt là cải thiện hệ số CAR. Dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục là năm có nhiều khó khăn, thách thức với ngành ngân hàng khi nợ xấu có xu hướng gia tăng. Vốn điều lệ vì thế đóng vai trò như một “bộ đệm”, đem lại nguồn lực cần thiết cho các ngân hàng đối phó với những thách thức và biến động trong môi trường kinh tế không ổn định; tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục hỗ trợ vốn cho khách hàng doanh nghiệp, cá nhân.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, hệ số CAR của các ngân hàng Việt cải thiện chậm và ở mức thấp so khu vực là một trong những thách thức. Trong khi các nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III, thì không ít ngân hàng thương mại Việt Nam mới hoàn thành Basel II. Vì thế, việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính là cần thiết đối với các nhà băng.

Tin bài liên quan