Các cuộc biểu tình và người dân không đeo khẩu trang khiến Mỹ đối mặt với làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ 2 (Ảnh minh họa: Internet)
Đó là nhận định của Giáo sư William Schaffner, Trường đại học Y khoa Vanderbilt.
Làn sóng thứ 2 đã bất đầu...
“Làn sóng lây nhiễm thứ hai đã bắt đầu, chúng ta đã mở cửa trở lại trên khắp đất nước, nhưng nhiều người lại không thực hiện giãn cách xã hội và không đeo khẩu trang”, Giáo sư William Schaffner cho biết.
Một số bang ở Mỹ đã báo cáo số ca nhiễm mới tăng đột biến gần đây khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng trên toàn quốc. Mỹ đang là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 2,16 triệu người đã bị nhiễm bệnh và gần 118.000 người tử vong, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.
Giáo sư Schaffner nói thêm rằng, các cuộc tụ họp đông người và các dịch vụ tôn giáo cũng đang được tổ chức.
“Nhiều người chỉ đơn giản là không cẩn thận và khá vô tư. Điều này đã dẫn đến sự lây lan mạnh hơn của Covid-19”, ông nói.
... Nhưng khó có chuyện phong tỏa lần nữa
Mặc dù có dấu hiệu của làn sóng thứ hai, Giáo sư Schaffner cho biết, việc lựa chọn phong tỏa một lần nữa là không thể xảy ra.
Thay vào đó, chính phủ, chính quyền tiểu bang, doanh nghiệp và các nhà đứng đầu tôn giáo phải làm việc cùng nhau để thúc đẩy việc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội để hạn chế lây nhiễm.
“Nếu chúng ta làm ngược lại, nếu không thực hiện giãn cách xã hội, không đeo khẩu trang và tiếp tục tụ tập đông người, hệ thống chăm sóc y tế sẽ tiếp tục gặp thách thức”, ông cảnh báo.
“Việc phong tỏa hoàn toàn sẽ là một thảm họa kinh tế. Mức độ ảnh hưởng đến xã hội và văn hóa mà tôi không tưởng tượng được sẽ xảy ra là rất lớn nếu áp dụng phong tỏa lần nữa”, ông nói.
Tuần trước, Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã thông báo cấm du lịch và đóng cửa 11 khu phố để đối phó với tình trạng lây nhiễm liên quan tới các khu chợ bán buôn.