Làn sóng hủy hợp đồng bảo hiểm để đầu tư vào chứng khoán của người Hàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dịch Covid-19 đang gây ra làn sóng hủy hợp đồng bảo hiểm của người dân xứ sở Kim chi để lấy vốn đầu tư vào cổ phiếu trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tiệm cận mức 0%.
Làn sóng hủy hợp đồng bảo hiểm để đầu tư vào chứng khoán của người Hàn

Trong khi thị trường chứng khoán kỳ vọng doanh thu của các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ bắt đầu tăng trở lại sớm nhất là trong quý 3 này thì sẽ còn quá sớm để xác định được chính xác thời điểm có sự chuyển biến này.

Trước đó đã có những ý kiến và chỉ báo kinh tế vĩ mô cho biết mức độ hồi phục của các doanh nghiệp và nền kinh tế Hàn Quốc sẽ không như kỳ vọng của nhà đầu tư.

Thế nhưng nhà đầu tư luôn có xu hướng tìm kiếm “một chiếc rỏ để gửi gắm những quả trứng” của mình trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm ở mức gần bằng 0.

Hệ quả là ngày càng có nhiều nhà đầu tư cá nhân đặt cược vào triển vọng tích cực của thị trường chứng khoán.

Một trong những thị trường hiện đang chứng kiến hiện tượng dòng vốn chảy ra ồ ạt là thị trường bảo hiểm. Nói một cách đơn giản, dòng tiền đầu tư vào các công ty bảo hiểm đang giảm sút mạnh.

Theo số liệu thống kê gần đây của ngành công nghiệp bảo hiểm Hàn Quốc, tổng số tiền mà các công ty bảo hiểm của xứ sở Kim chi trả cho khách hàng do họ hủy ngang hợp đồng bảo hiểm trong nửa đầu năm nay tại 8 công ty bảo hiểm lớn nhất nước này là Samsung Life, Hanwha Life, Kyobo Life, DB Insurance, Hyundai Marine & Fire Insurance đã lên tới 14,27 ngàn tỷ won (11,8 tỷ USD), tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

Thông thường người tham gia bảo hiểm sẽ không hủy hợp đồng bảo hiểm bởi số tiền mà họ nhận lại từ công ty bảo hiểm sẽ ít hơn nhiều số tiền mà họ đóng bởi công ty bảo hiểm sẽ trừ đi các khoản phí như phí quản lý hay phí hủy hợp đồng.

Bất chấp điều này, số lượng khách hàng hủy ngang hợp đồng bảo hiểm vẫn tiếp tục tăng trong nửa đầu năm nay.

Có 2 lý do để giải thích cho hiện tượng này. Đầu tiên đó là việc họ cần tiền để trang trải cho các chi phí hàng ngày do thu nhập của họ bị giảm sút trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra.

Nguyên nhân tiếp theo đó là việc họ nhìn thấy cơ hội kiếm lời từ một thị trường tài chính khác, đó là thị trường chứng khoán.

Lý do đầu tiên có thể dễ lý giải, bởi số lượng khách hàng bảo hiểm hủy hợp đồng tăng lên một cách nhanh chóng từ hồi tháng 2.

Nếu như trong tháng 1 tổng số tiền hoàn trả cho khách hàng hủy hợp đồng bảo hiểm giảm 3,4% so với tháng 12/2019 thì trong tháng 2 con số này lại tăng 19,3% so với tháng 1.

Tình hình này vẫn tiếp tục diễn ra trong tháng 3 với tốc độ nhanh hơn, tăng tới 28,4% so với tháng 2.

Kết quả là, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay tổng số tiền mà các công ty bảo hiểm phải hoàn trả lại cho khách hàng đã tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Điều đáng nói là bất chấp việc các công ty bảo hiểm đưa ra rất nhiều phương án cho phép người đóng bảo hiểm chậm đóng tiền bảo hiểm hàng tháng nhưng vẫn không giúp ngăn chặn được hiện tượng này.

Trong khi tốc độ tăng giá trị hoàn trả trong tháng 4 và tháng 5 có giảm xuống đôi chút do có tiền hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh của Chính phủ Hàn Quốc thì mức độ hủy hợp đồng lại gia tăng trong tháng 6 và giá trị tiền mà các công ty bảo hiểm hoàn trả khách hàng tăng tới 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Cho Yong-jun, Giám đốc Phân tích của Hana Financial Investment cho biết, những người tham gia bảo hiểm hủy hợp đồng bảo hiểm là để lấy tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Ông Cho tiết lộ, trung bình mỗi tháng tổng giá trị các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị hủy lên tới 2,2 ngàn tỷ won (1,9 tỷ USD), thế nhưng trong tháng 3 con số này lên tới 3,2 ngàn tỷ won (2,7 tỷ USD), tăng 46,6% so với tháng trước đó.

Trong khi đó cũng trong tháng 3 số tiền chảy vào các công ty chứng khoán để đầu tư vào cổ phiếu tiếp tục tăng tới 46 ngàn tỷ won (39 tỷ USD), tăng 75,2% so với con số trung bình tháng của năm ngoái là 26 ngàn tỷ won (22 tỷ USD).

Lãi suất ngân hàng không những ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, dòng vốn và thậm chí là kế hoạch tài chính để nghỉ hưu của người dân.

Lý thuyết kinh tế và các số liệu thống kê trong lịch sử cho thấy lãi suất thấp sẽ kích thích sự tăng giá của cổ phiếu trong ngắn hạn và nhà đầu tư thường có tâm lý chấp nhận rủi ro ở mức có thể kiểm soát được để đổi lấy mức lợi nhuận tốt hơn khi đầu tư vào thị trường cổ phiếu trong bối cảnh lãi suất ngân hàng ở mức 0%.

Ông Cho cũng cho biết tiền đầu tư vào các quỹ tín thác cũng giảm sút, trong khi tiền gửi tại các công ty chứng khoán tăng.

“Covid-19 đã làm cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ lựa chọn đầu tư trực tiếp vào thị trường cổ phiếu thay vì mua các sản phẩm tài chính của các quỹ tín thác”, ông Cho nói và khuyến nghị nhà đầu tư nên đa dạng hóa tài sản của họ bằng cách đầu tư vào cổ phiếu blue-chip của các công ty tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ hoặc trái phiếu doanh nghiệp chất lượng tốt.

Tin bài liên quan