Việc EVFTA sắp có hiệu lực khiến các công ty châu Âu đẩy mạnh thâm nhập vào thị trường Việt Nam

Việc EVFTA sắp có hiệu lực khiến các công ty châu Âu đẩy mạnh thâm nhập vào thị trường Việt Nam

Làn sóng hàng châu Âu sắp đổ bộ vào Việt Nam

(ĐTCK) Nhằm đón lõng các cơ hội tại thị trường Việt Nam khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, thời gian qua đã có nhiều đoàn doanh nghiệp từ châu Âu tới Việt Nam tìm kiếm các cơ hội làm ăn mới.

Mới đây, tại TP. HCM, Beko - thương hiệu gia dụng hàng đầu châu Âu đã công bố mở rộng kinh doanh ở châu Á với việc gia nhập thị trường Việt Nam.  Chia sẻ về cơ hội của thương hiệu này tại thị trường Việt Nam, ông Hồ Xuân Lộc, Tổng giám đốc Vietbeko cho biết: “Việt Nam là thị trường mới nổi ở châu Á với nhiều tiềm năng và đầy thú vị. Từ tháng 7 năm nay, Beko đã giới thiệu các sản phẩm chủ đạo trên tất cả các kênh phân phối truyền thống khắp cả nước và đang mở rộng ra các kênh phân phối hiện đại”.

Việc EVFTA sắp có hiệu lực không chỉ khiến các công ty châu Âu đẩy mạnh thâm nhập vào thị trường Việt Nam, mà còn tạo thêm sức hấp dẫn lôi cuốn các doanh nghiệp châu Âu gia nhập thị trường nội địa. Trong chuyến công tác sắp tới, Cao ủy phụ trách Nông nghiệp và phát triển nông thôn của Liên minh châu Âu (EU) Phil Hogan sẽ dẫn đầu một đoàn thương mại cấp cao tới Đông Nam Á, nhằm tìm kiếm các cơ hội kinh doanh tại khu vực này.

Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ là điểm dừng chân đầu tiên của Cao ủy Hogan, với chuyến công tác tại Hà Nội và TP. HCM từ ngày 2 – 4/11/2016. Cùng đi với Cao ủy Hogan là một đoàn doanh nghiệp gồm 41 đại diện các công ty thực phẩm và đồ uống châu Âu. Các doanh nghiệp này sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống đa dạng tới thị trường nội địa.

Ngoài các thương hiệu lớn về gia dụng, thực phẩm, đồ uống, Việt Nam được nhận định là thị trường hấp dẫn với các thương hiệu gia cầm đến từ châu Âu. Tại một hội thảo về thịt gia cầm chất lượng cao có xuất xứ từ Liên minh châu Âu được tổ chức mới đây tại TP. HCM, các chuyên gia đã đưa ra dự báo rằng, mức tiêu thụ sản phẩm gia cầm tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng ở mức cao tới năm 2021, mức tăng có thể lên tới 37%. Trong cùng thời gian đó, lượng gia cầm sản xuất nội địa cũng tăng 27% và nhập khẩu loại sản phẩm này tăng 49%.

Số liệu từ Ủy ban châu Âu cho thấy, trong những năm gần đây, tổng sản lượng và giá trị xuất khẩu thịt từ Liên minh châu Âu sang Việt Nam liên tục tăng. Năm 2013, giá trị xuất khẩu thịt từ EU sang Việt Nam đạt 7,369 triệu euro. Năm 2014, con số này là 15,7 triệu euro, tăng 113,15% và năm 2015 đạt 23,3 triệu euro, tăng 48,22% so với năm trước đó.

Ông Mariusz Boguszewski, Tùy viên kinh tế thuộc Đại sứ quán Cộng hòa Ba Lan tại Hà Nội cho biết, hiện nay, xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc động vật từ Ba Lan sang Việt Nam chiếm tỷ trọng 12% toàn bộ thực phẩm xuất khẩu của EU sang Việt Nam. Thực tế, không chỉ Ba Lan mà nhiều quốc gia thành châu Âu khác cũng đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội xuất khẩu thịt gia cầm vào Việt Nam, bởi với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm này.

Theo số liệu thống kê, EU hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2015, kim ngạch thương mại Việt Nam - EU đạt trên 38,4 tỷ euro, trong đó, giá trị nhập khẩu vào EU đạt 29,9 tỷ euro, giá trị xuất khẩu sang Việt Nam đạt 8,4 tỷ euro. Đánh giá về cơ hội của Việt Nam với thị trường EU, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ tạo ra nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, hội nhập cũng khiến môi trường cạnh tranh trở nên gay gắt hơn, khi làn sóng hàng hóa từ châu Âu nói riêng và từ các thị trường khác nói chung tràn vào nội địa.

Tin bài liên quan