Nhà máy của LG tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng). Ảnh: LG

Nhà máy của LG tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng). Ảnh: LG

Làn sóng công ty công nghệ mới muốn chọn Việt Nam là điểm đến

0:00 / 0:00
0:00
Sau làn sóng các công ty công nghệ dồn dập đổ vốn vào Việt Nam 10 năm trước, thì dường như đang có một làn sóng công ty công nghệ mới muốn chọn Việt Nam là điểm đến.

Sắp có làn sóng mới?

Cuối tuần trước, Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đã tới Đồng Nai để tìm kiếm cơ hội đầu tư các hạng mục liên quan đến chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh ở tỉnh này. Theo đại diện của LG, Tập đoàn đang liên kết với một số tập đoàn lớn trên thế giới sản xuất, cung ứng công nghệ 4.0 để triển khai các dự án lớn về thành phố thông minh cho một số quốc gia trên thế giới.

“Đồng Nai đang triển khai thành phố thông minh, nên Tập đoàn LG muốn tham gia một số hạng mục, như khu công nghiệp thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh, nhà máy thông minh, logistics thông minh... Nguồn vốn để thực hiện một thành phố thông minh khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng”, đại diện LG cho biết.

Sau khi nghe các đề xuất của LG, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Hoàng cho biết, mối quan tâm hàng đầu của Đồng Nai là chuyển đổi số và tỉnh đang triển khai một số hạng mục của thành phố thông minh liên quan đến y tế, giao thông... Do đó, LG nên đưa ra các mô hình cụ thể trên từng lĩnh vực để tỉnh xem xét, sau đó sẽ triển khai các bước tiếp theo.

Mới chỉ là những đề xuất ban đầu, chưa có bất cứ dự án nào cụ thể, song động thái này một lần nữa cho thấy, ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ “nhòm ngó” Việt Nam và lĩnh vực mà họ muốn đầu tư không chỉ đơn thuần là sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao như hơn 10 năm trước đây, khi làn sóng công nghệ cao bắt đầu đổ vào Việt Nam, với khởi đầu là dự án chip 1 tỷ USD của Intel.

Ngay như LG, sau khi đã ghi dấu ấn với tổ hợp sản xuất các thiết bị điện tử, điện tử gia dụng ở Hải Phòng (gồm 3 nhà máy LG Electronics, LG Display, LG Innotek), vào cuối năm ngoái, cũng đã đặt tham vọng đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ thông tin của Tập đoàn tại Việt Nam. Và bây giờ, dù thông tin chưa thật cụ thể, song cũng đang có một định hướng đầu tư mới.

“Việc Việt Nam đang thúc đẩy chuyển đổi số cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp Đài Loan”, ông Lê Tuấn, Trợ lý Chủ nhiệm Văn phòng, Trưởng bộ phận Đầu tư, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Đài Loan) cho phóng viên Báo Đầu tư biết.

Thậm chí, dẫn nghiên cứu của PwC vừa được công bố, ông Tuấn cho biết, tầm quan trọng của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Đài Loan đã nâng từ mức 18% năm 2018 lên 24% vào cuối năm 2020 và đứng thứ 4, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.

“PwC Đài Loan nhận định, việc Chính phủ Việt Nam đang tích cực tập trung thúc đẩy chuyển đổi số gần như sẽ là một chính sách ‘ưu đãi’ miễn phí cho mọi doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam. Bởi vì, tác động của chuyển đổi số không chỉ giúp giảm thiểu chi phí sản xuất, mà còn thúc đẩy hiệu quả, hiệu suất kinh doanh tại đây”, ông Tuấn nói.

Chuẩn bị đón “sóng” công nghệ cao

Khoảng 2 tuần trước, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã có một cuộc họp bàn với các sở, ngành để “thúc” tiến độ giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang). Khu công nghiệp này có tổng diện tích 426 ha, nhưng hiện mới chỉ có 336 ha được giải phóng mặt bằng, 90 ha còn lại thì chưa.

Theo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn, UBND huyện Việt Yên phải tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại, bảo đảm sớm bàn giao cho chủ đầu tư, thậm chí coi đây là “nhiệm vụ cần ưu tiên hàng đầu”.

Dễ hiểu vì sao Bắc Giang sốt ruột như vậy. Lãnh đạo tỉnh muốn sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng của dự án này để có thể “đón nhà đầu tư chiến lược”. Thông tin chi tiết chưa được tiết lộ, song nhiều khả năng liên quan đến dự án mở rộng đầu tư của Tập đoàn Foxconn sắp được triển khai tại khu công nghiệp này. Và nhiều khả năng, đây chính là dự án được nhắc tới lâu nay - 270 triệu USD, sản xuất smart TV cho một thương hiệu nổi tiếng.

Trong khi đó, Tập đoàn Luxshare sau khi đầu tư xây dựng một nhà máy ở Khu công nghiệp Vân Trung, cũng đang triển khai đầu tư một dự án khác cũng ở khu công nghiệp này, với vốn đầu tư 190 triệu USD. Theo ông Lee Cheng-Ju, Tổng giám đốc Luxshare-ICT Vân Trung, nhà máy mới này chuyên sản xuất các loại tai nghe không dây (bluetooth), smartwatch và loa bluetooth.

Ngoài các nhà máy ở Bắc Giang, Luxshare cũng đang trong quá trình mở rộng đầu tư nhà máy ở Nghệ An. Trong khi đó, Tập đoàn Wistron đã đầu tư dự án 273 triệu USD ở Hà Nam, còn Tập đoàn Pegatron đầu tư 2 dự án 500 triệu USD ở Hải Phòng.

Nhìn ở góc độ này, dường như đang có một làn sóng đầu tư tiếp theo trong lĩnh vực công nghệ cao đổ vào Việt Nam. Trong báo cáo có tựa đề “Ngôi sao đang lên: Vai trò của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng biến đổi tại châu Á”, vừa được công bố, Economist Intelligence Unit (EIU) cho rằng, Việt Nam vẫn là một lựa chọn hấp dẫn đối với các hoạt động sản xuất và những người đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở châu Á.

Theo EIU, các nhà sản xuất công nghệ cao sẽ tiếp tục nhận được ưu đãi trong nhiều năm tới và đó là một lợi thế, để cùng với các lợi thế khác, ví dụ tham gia nhiều hiệp định thương mại, Việt Nam sẽ trở thành “cái tên thay thế rất thuận lợi cho một phần sản xuất của Trung Quốc”.

Theo ông Lê Tuấn, Trợ lý Chủ nhiệm Văn phòng, Trưởng bộ phận Đầu tư, Văn phòng kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Đài Loan), doanh nghiệp Đài Loan hiện nay đều nhìn nhận và đánh giá Việt Nam là “mắt xích” quan trọng nhất tại Đông Nam Á trong xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng với trọng tâm là ngành điện tử - viễn thông. “Hàng trăm khu công nghiệp với các ưu đãi hấp dẫn đang dần biến các tỉnh phía Bắc Việt Nam trở thành hệ sinh thái sản xuất công nghệ”, ông Tuấn nói.

Tin bài liên quan