Ông Đỗ Thế Vinh, CEO Bảo hiểm trực tuyến - IBAOHIEM

Ông Đỗ Thế Vinh, CEO Bảo hiểm trực tuyến - IBAOHIEM

“Làn gió mới” từ các sản phẩm bảo hiểm số siêu nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Đỗ Thế Vinh, CEO Bảo hiểm trực tuyến - IBAOHIEM, việc phát triển những sản phẩm bảo hiểm số như một “làn gió mới” thức tỉnh các công ty bảo hiểm.

Năm 2024, bảo hiểm số có diễn biến gì khác so với năm 2023, thưa ông?

Bảo hiểm số năm nay có sự tăng trưởng và phát triển hơn nhiều so với năm ngoái, chẳng hạn như có nhiều dự án về công nghệ hơn, các công ty bảo hiểm chú trọng về công nghệ hơn, đã và đang xây dựng các nền tảng công nghệ và API để kết nối với các đối tác là công ty đại lý bảo hiểm tổ chức, công ty công nghệ, ngân hàng ...

Việc áp dụng công nghệ số vào bán bảo hiểm đã giúp thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển ấn tượng trong năm 2024. Cụ thể, việc áp dụng công nghệ số vào việc bán bảo hiểm đã giúp cho người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn với các sản phẩm bảo hiểm, giúp khách hàng tiết kiệm được thời gian khi chỉ cần vài nút chạm tay tại chỗ đã mua được sản phẩm bảo hiểm mình mong muốn, trong khi trước đó phải qua trực tiếp đại lý phân phối/công ty bảo hiểm để giao dịch. Công nghệ số bảo hiểm giúp minh bạch hóa thông tin, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển chung của toàn ngành bảo hiểm tại Việt Nam năm 2024.

Sự tăng trưởng của bảo hiểm số được thể hiện thông qua những con số cụ thể nào?

Chưa có số liệu chính thức của cả năm 2024, một số công ty bảo hiểm đang để lẫn với doanh thu của sản phẩm truyền thống, chưa tách riêng nên cũng chưa có con số tách bạch của riêng bảo hiểm số. Tuy nhiên, theo dự báo, thị trường bảo hiểm công nghệ năm 2024 có thể tăng trưởng theo cấp số nhân, nhất là sau khi mô hình bán bảo hiểm trực tuyến đã có hành lang pháp lý mang tính cập nhật hơn, được Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư 67/2023/TT-BTC.

Năm 2024, các công ty công nghệ bảo hiểm có thể bán được những sản phẩm nhỏ lẻ với doanh thu chỉ từ 1.000 đồng/đơn bảo hiểm. Theo ông, những đơn bảo hiểm này sẽ đóng góp gì cho doanh thu phí của toàn thị trường bảo hiểm của Việt Nam trong năm 2025?

Ngoài các công ty công nghệ như Grab, Xanh SM, Bee… thì còn có những công ty, tổ chức ở ngành nghề khác đang bán những sản phẩm bảo hiểm nhỏ lẻ tương tự.

Việc các công ty bảo hiểm công nghệ bán được những sản phẩm nhỏ lẻ giúp thúc đẩy sự tăng trưởng doanh thu trong các thị trường ngách và giúp người dân dễ dàng tiếp cận với thị trường bảo hiểm.

Dự báo năm 2025, bảo hiểm số sẽ tiếp tục tăng trưởng theo cấp số nhân

Dự báo năm 2025, bảo hiểm số sẽ tiếp tục tăng trưởng theo cấp số nhân

Hiện nay, ngoài các công ty công nghệ thì hầu hết các sàn thương mại điện tử cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhỏ lẻ cũng đang ứng dụng công nghệ trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm thông qua ứng dụng Momo, Viettel Money, trong đó sàn thương mại điện tử Shopee, Ladada bán các sản phẩm bảo hiểm kèm theo (bảo hiểm nhúng), bảo hiểm hàng hóa cho sản phẩm.

Việc phát triển sản phẩm bảo hiểm ứng dụng công nghệ như một “làn gió mới” giúp các công ty bảo hiểm thức tỉnh, khai thác được những sản phẩm bảo hiểm siêu nhỏ một cách tối đa mà trước đó đã bỏ lỡ cơ hội và từ đó sẽ dần đóng góp vào doanh thu của toàn ngành bảo hiểm.

Dự báo, năm 2025, bảo hiểm số tiếp tục tăng trưởng theo cấp số nhân, là năm tiền đề để mô hình này phát triển hơn. Nhiều công ty sẽ đưa các nền tảng công nghệ, kết nối API vào triển khai trong kinh doanh và quản lý khách hàng. Nhiều tổ chức là công ty bảo hiểm, đại lý tổ chức, công ty công nghệ cũng sẽ tham gia thị trường này.

Ông dự báo sản phẩm bảo hiểm ứng dụng công nghệ nào sẽ thu hút đông đảo khách hàng?

Việc áp dụng công nghệ số vào bán bảo hiểm đã giúp thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển ấn tượng trong năm 2024.

Sự phát triển và ứng dụng của công nghệ vào bảo hiểm là một xu hướng tất yếu. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đều mong muốn phát triển mảng này. Các sản phẩm mới ra đời sẽ có quy định rõ ràng, phù hợp về việc giao kết trên môi trường mạng để vừa đảm bảo pháp lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia.

Các sản phẩm bảo hiểm truyền thống như bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm du lịch... khi được mua bán online có khả năng sẽ thu hút khách hàng, vì đây là những sản phẩm đã được khách hàng biết đến và dành sự quan tâm rất nhiều.

Các công ty bảo hiểm ở đây bao gồm cả phi nhân thọ lẫn nhân thọ sẽ ứng dụng công nghệ vào cả quá trình khai thác, bồi thường cũng như đánh giá rủi ro, vì giảm được thời gian, tiền bạc và nhân sự so với cách làm truyền thống.

Theo ông, bảo hiểm số cần những yếu tố gì để thực sự bùng nổ?

Thực sự khó có thể nhận định được yếu tố nào là cần thiết để bùng nổ. Cá nhân tôi nhận thấy, cũng giống như các mặt hàng khác, khi người dân có sự hiểu biết đầy đủ, đúng đắn về việc tham gia bảo hiểm online thì hình thức này sẽ thay thế cho phương thức truyền thống.

Mặc dù chuyển đổi số trên thị trường bảo hiểm mới ở giai đoạn đầu, trong tương lai có thể có những công nghệ mới xuất hiện, nhưng sau khi hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện theo hướng chuẩn mực thì bảo hiểm số sẽ có điều kiện để phát triển nhanh.

Theo ông, các doanh nghiệp bảo hiểm gặp trở ngại gì khi bán bảo hiểm theo hình thức công nghệ và làm thế nào để vượt qua?

Trở ngại đầu tiên trong quá trình chuyển đổi sang bán bảo hiểm theo hình thức công nghệ là liên quan đến Luật Kinh doanh bảo hiểm. Luật có quy định về việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng, nhưng các quy định khác của Luật khi áp dụng cho việc cấp đơn bảo hiểm online vẫn còn vướng mắc hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể như nghĩa vụ cung cấp thông tin, xác nhận của khách hàng về thông tin, ký kết hợp đồng online… Điều này khiến các doanh nghiệp bảo hiểm chưa dám mạnh dạn triển khai công nghệ 100% cho quá trình cấp đơn, hoặc chỉ dám triển khai một phần, không phát huy được sự tiện lợi của công nghệ.

Dù đã quen dần với hình thức mua hàng online, người tham gia bảo hiểm nhiều nơi thực sự vẫn chưa biết hoặc chưa thực sự tin tưởng vào hình thức tham gia bảo hiểm online. Thực tế, có những tình huống “dở khóc, dở cười” như người mua hàng đã nhận được đơn bảo hiểm online nhưng vẫn yêu cầu đại lý/công ty bảo hiểm in đơn bảo hiểm.

Ngoài tiềm năng, thị trường bảo hiểm số có “điểm trừ”, điểm cần lưu ý nào không?

Chính sách tinh giản bộ máy tại Việt Nam đang được nhận định sẽ giúp quá trình chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa với việc tích hợp công nghệ số vào mọi khía cạnh của cuộc sống, trong đó có bảo hiểm. Từ Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp đến người dân đều dần quen thuộc hơn nhiều so với trước đây về việc sử dụng công nghệ số trong đời sống hàng ngày, kinh doanh, mua sắm, thủ tục hành chính...

Trong thời gian tới, các công ty bảo hiểm cần đầu tư nghiên cứu thị trường quốc tế và những nơi triển khai thành công để ứng dụng cho phù hợp thực tiễn ở Việt Nam; tìm các tổ chức có trình độ và chuyên môn để phối hợp triển khai các mô hình điểm sau đó nhân rộng ra; thành lập hoặc xây dựng các bộ phận chuyên trách về mảng này theo hướng chuyên nghiệp, chuẩn mực.

Theo Điều 7, Thông tư 67/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Thông tư này phải thể hiện trong hợp đồng bảo hiểm giao kết giữa bên mua bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, trong đó quy định cụ thể về hình thức giao dịch trực tuyến, những rủi ro có thể xảy ra khi mua/bán sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng, trách nhiệm bồi thường của mỗi bên khi xảy ra rủi ro và thông tin khác liên quan đến hoạt động cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng. Quy định này áp dụng đối với các hợp đồng giao kết từ ngày 1/1/2024.

Tin bài liên quan