Lần đầu tiên Việt Nam dùng AI hỗ trợ quá trình soạn thảo luật

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là luật đầu tiên được dùng AI để hỗ trợ việc phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo các văn bản pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tiếp thu, giải trình dự án Luật Công nghiệp công nghệ số sáng 30/11

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tiếp thu, giải trình dự án Luật Công nghiệp công nghệ số sáng 30/11

Sáng 30/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Việt Nam sẽ thuộc nhóm nước đầu tiên có bộ luật riêng về công nghiệp công nghệ số

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận các ý kiến đã gợi mở ra nhiều hướng tiếp cận mới cho dự án Luật nhằm mục tiêu có một bộ luật chất lượng, khả thi để phát triển mạnh mẽ, bứt phá công nghiệp, công nghệ số của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, công nghệ số là lực lượng sản xuất mới, thực sự mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số cho sự phát triển của nhân loại. Việt Nam muốn trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao thì phải đi trong nhóm đầu về công nghệ số, về công nghiệp công nghệ số.

"Nếu Quốc hội thông qua luật này trong kỳ họp tới thì Việt Nam sẽ là nhóm nước đầu tiên có một bộ luật riêng về công nghiệp công nghệ số", ông Hùng nhấn mạnh.

Nhấn mạnh, công nghệ số sinh ra dữ liệu và xử lý dữ liệu, sản phẩm phi cấu trúc, là thứ chưa có ngữ nghĩa, là tài nguyên thô, chưa xử lý, là tài nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới, là đầu vào mới của sản xuất, giống như đất đai trong thế giới thực... giải quyết được vấn đề toàn cầu là cạn kiệt tài nguyên truyền thống, Bộ trưởng nhấn mạnh, công nghệ số xử lý dữ liệu, sinh ra giá trị mới, tạo ra sự phát triển cho đất nước.

Công nghệ số không chỉ xử lý dữ liệu mà còn sinh ra dữ liệu, tạo ra chuyển đổi số, tạo ra một không gian sinh tồn mới là không gian số, tạo ra cách thức, mô hình vận hành mới, tạo ra cách mạng số, tạo ra cách mạng chuyển đổi số. Đây là điều quan trọng nhất và căn bản nhất.

"Vì thế, công nghệ số là động lực chính của phát triển, của chuyển đổi số, là lực lượng sản xuất cơ bản trong kỷ nguyên mới", ông Hùng khẳng định.

Bộ trưởng cho hay, Luật Công nghệ thông tin năm 2006 có ba phần chính, phần an toàn thông tin mạng đã được tách ra thành Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; phần phát triển chủ yếu là công nghiệp công nghệ thông tin đang được tách ra thành Luật Công nghiệp công nghệ số, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua năm 2025; phần ứng dụng mà chủ yếu là về Chính phủ điện tử dự kiến xin phép Quốc hội tách ra thành luật về Chính phủ số và khi đó Luật Công nghệ thông tin có thể kết thúc tồn tại.

Việc tách ra thành 3 luật riêng biệt để tạo ra không gian phát triển mạnh mẽ cho cả 3 lĩnh vực rất quan trọng này. Các quốc gia khác trên thế giới cũng tiếp cận theo cách này.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số

Bộ luật đầu tiên dùng AI để hỗ trợ việc phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo các văn bản pháp luật

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về đổi mới công tác lập pháp, những vấn đề mới đang trong quá trình vận động thì luật quy định những nguyên tắc chung về quản lý và phát triển, đảm bảo quản lý phải theo kịp và kiến tạo phát triển; sau đó, giao cho Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo sự linh hoạt, Bộ trưởng cho biết, Luật Công nghiệp công nghệ số đã tiếp cận theo cách này để xử lý các nội dung tài sản số và trí tuệ nhân tạo.

Theo đó, Luật Công nghiệp công nghệ số dành một chương riêng cho công nghiệp bán dẫn. Tháng 9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn, coi chip bán dẫn là công nghệ cốt lõi. Dự thảo luật đã quy định các chính sách hỗ trợ phát triển, đảm bảo an ninh quốc gia cho ngành công nghiệp chiến lược này, nhiều chính sách tốt nhất đã được đưa vào luật để hỗ trợ cho công nghệ chiến lược này.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ đầu tư thêm về nội dung công nghiệp công nghệ số xanh vì công nghệ số sẽ là lĩnh vực tiêu dùng nhiều năng lượng nhất và cả rác thải điện tử. Công nghiệp công nghệ số sẽ không chỉ xanh mà còn phải tự cường và an toàn.

"Cơ quan soạn thảo sẽ đầu tư thêm về nội dung tự cường, an toàn và xanh", ông Hùng nói.

Về việc đồng bộ với các luật đã ban hành và đang soạn thảo, Tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông cho hay, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là luật đầu tiên được dùng AI để hỗ trợ việc phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo các văn bản pháp luật.

Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật và trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới.

Tin bài liên quan