Nhu cầu vàng đã giảm
“Đây là một hiện tượng khá bất thường bởi trong khoảng 5 năm trở lại đây, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới tới 4-5 triệu đồng/lượng. Rất nhiều ý kiến, trong đó có tôi, cho rằng việc kéo giá vàng xuống ngang bằng nhau là rất khó chứ chưa nói đến giá vàng trong nước lại thấp hơn giá vàng thế giới như hiện nay”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho biết.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, các chuyên gia kinh tế hầu hết đều chung nhận định, thị trường tài chính thế giới phức tạp; tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm và lộ diện ra những khó khăn; giá dầu lao dốc và biến động chính trị;… tất cả đều là “động lực” đẩy giá vàng tăng lên trong vai trò trú ẩn an toàn. Trong khi đó tại Việt Nam, người dân lại thờ ơ với vàng nên ít giao dịch, đẩy giá vàng thấp xuống.
Thực tế đã cho thấy, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 thay thế Nghị định số 174/1999/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng đã tạo lập khuôn khổ pháp lý mới nhằm tổ chức, sắp xếp lại thị trường vàng. Những thay đổi về mặt pháp lý đã đáp ứng sự thay đổi của thực tiễn, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế tác động bất lợi của hoạt động kinh doanh vàng đến chính sách tiền tệ, tỷ giá…
Cũng theo TS. Hiếu, trên cơ sở pháp lý được ban hành, NHNN cũng đẩy nhanh việc chuyển quan hệ huy động - cho vay vàng sang quan hệ mua - bán vàng trên thị trường. Đồng thời việc đấu thầu vàng, độc quyền vàng miếng SJC, và yêu cầu quyết liệt các ngân hàng tất toán số dư huy động vàng, giảm số dư cho vay vốn bằng vàng đã khiến “không gian” sử dụng vàng trong đời sống kinh tế giảm đi.
Đây là giải pháp rất quan trọng nhằm giảm bớt tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế. Tác động đương nhiên là số lượng DN kinh doanh vàng miếng bị thu hẹp, bỏ nghề hoặc chuyển kinh doanh vàng nữ trang, nhưng đầu cơ lướt sóng và nhập lậu vàng không còn thành “vấn nạn”, vàng chỉ còn vai trò chế tác hoặc tích trữ ở một bộ phận dân cư. Nguồn lực để đầu tư vào vàng đã chuyển sang các kênh đầu tư khác.
Lộ trình cho quãng đường này mất gần 4 năm.
Cụ thể, đến đầu tháng 7/2013, tất cả 18 ngân hàng đã hoàn thành việc mua đủ vàng để tất toán số dư huy động vốn bằng vàng. Đến cuối năm 2013, NHNN đã tổ chức được 76 phiên đấu thầu, tạo nguồn cung ra thị trường với khối lượng 68,25 tấn, trong đó khoảng 30 tấn để hỗ trợ các ngân hàng tất toán số dư huy động vàng và số còn lại khoảng 38,25 tấn để bổ sung nguồn cung cho thị trường vàng trong nước.
Do những diễn biến tích cực của thị trường vàng mà từ đầu năm 2014 đến nay, NHNN đã không còn tổ chức đấu thầu bán vàng miếng. Tính đến tháng 4/2015, dư nợ cho vay vàng của toàn hệ thống chỉ còn khoảng 2 tấn (giảm 90% so với ngày 30/4/2012).
Tương lai nào cho vàng?
Nghiên cứu của Viện Chiến lược Ngân hàng về lượng hóa các yếu tố tác động tới giá vàng trong nước, thì thị trường vàng và tỷ giá có mối quan hệ qua lại lẫn nhau. Cụ thể, tỷ giá là nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất tới giá vàng trong nước, đặc biệt trong bối cảnh tình hình ngoại hối trong nền kinh tế trở nên căng thẳng (thâm hụt thương mại kéo dài, dự trữ ngoại hối suy giảm, nhu cầu đầu cơ vàng lớn).
Ngược lại, khi các quy định quản lý hoạt động kinh doanh vàng còn chưa chặt chẽ, nhu cầu đầu cơ vàng lớn cũng sẽ góp phần gây sức ép lên tỷ giá. Bằng chứng là trong năm 2010, khi nhu cầu đầu cơ vàng không lớn, tỷ giá chỉ có tác động rất nhỏ lên giá vàng, tỷ giá tăng 1% làm giá vàng trong nước tăng 0,01%...
Điều này giải thích phần nào cho mức giá vàng trong nước hiện nay, và đồng thời cho thấy muốn điều hành tốt tỷ giá phục vụ nền kinh tế thì vàng là thị trường cần có sự kiểm soát tốt, tránh đầu cơ, làm giá và nhập lậu.
Để tính giá vàng thế giới quy đổi ra VND, ngoài việc quy đổi theo khối lượng (đơn vị ounce sang lượng) và tỷ giá (USD sang VND), còn phải cần tính thêm các loại phí: vận chuyển, bảo hiểm, thuế nhập khẩu, phí gia công…
Cụ thể 1 lượng vàng (37,5 g) = 1,20565 ounce hay ngược lại 1 ounce = 0,82945 lượng vàng
Giá trong nước = (giá thế giới + phí vận chuyển + phí bảo hiểm) x (1 + thuế nhập khẩu)/0,82945 x tỷ giá USD/VND.
Thị trường vàng đã theo đúng kịch bản của nhà quản lý. Câu chuyện còn lại là quỹ đạo của vàng tới đây sẽ như thế nào, cả về giá với cơ chế kiểm soát hiện nay và cả về mục đích được sử dụng ra sao?
Theo một lãnh đạo cao cấp VietinBank, trước kia, mọi người đều coi vàng như tài sản trú ẩn an toàn nên găm giữ, và vàng được coi là kênh đầu tư nên kinh doanh lướt sóng, nhưng thời điểm hiện nay cho thấy, vàng trong nước không còn ở “ngôi vua”.
“Người dân đã quan tâm đến nhiều kênh đầu tư khác như bất động sản hay thậm chí là gửi tiết kiệm ngân hàng cho lãi suất cao hơn khiến tâm lý găm giữ vàng không còn được coi trọng. Việc sử dụng vàng chủ yếu sẽ hướng vào việc phục vụ chế tác sản phẩm và tạo giá trị gia tăng cho vàng, ngoài ra sẽ nằm trong phần dự trữ ngoại tệ quốc gia bằng vàng”, vị lãnh đạo này nhận định.
Còn theo TS. Hiếu, với thực trạng giá vàng trong nước đã thấp hơn giá quốc tế như hiện nay, có thể coi đây là kết quả phản ánh sự thành công của các biện pháp quản lý thị trường vàng, đưa vàng về đúng vị trí cần thiết trong nền kinh tế. Nhưng diễn biến giá cả “có thể chỉ là một hiện tượng tạm thời”, khó có thể duy trì xu hướng này trong cả năm vì thị trường này biến động khôn lường. Nếu nhìn ở góc độ quản lý, giá vàng trong nước thấp là cơ hội thuận lợi để NHNN cân nhắc mua vàng, tăng dự trữ quốc gia bằng vàng.