Ảnh Internet

Ảnh Internet

Làm thoáng môi trường kinh doanh

(ĐTCK) Nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục đòi hỏi phải có sự cải cách mạnh mẽ, thực chất hơn về thể chế, nhất là các thủ tục liên quan đến thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, để đạt được tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.

Chính vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành cắt giảm giấy phép con, cháu; tiết giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp; coi trọng và tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. 

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 với chủ đề "Môi trường kinh doanh 2018: Cải cách để tạo việc làm", một nghiên cứu theo dõi mức độ thuận lợi kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới của Nhóm Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá, với số điểm 67,93 trên thang điểm 100, tăng 14 bậc so với đánh giá trong năm 2017.

Ðánh giá về nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ 2018 của Bộ được tổ chức ngày 15/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận: “Các đồng chí đã bãi bỏ 1.930 điều kiện kinh doanh được cho là các giấy phép con, cản trở doanh nghiệp phát triển lâu nay. Từ đề xuất của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, nhiều bộ, ngành trình sửa đổi, bãi bỏ, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh”.

Một “quả ngọt” của nỗ lực cải cách là theo Tổng cục Thống kê, năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 1.295.900 tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2017 giảm so với năm 2016.

Nỗ lực cải cách trên đang mang lại kỳ vọng lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, dự kiến quý I/2018 so với quý IV/2017, có 48,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên, 35,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất-kinh doanh sẽ ổn định, chỉ có 16,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Ðể tiếp sức cho niềm tin của doanh nghiệp, đồng thời thể hiện “nói đi đôi với làm”, bước đi mới nhất để cụ thể hóa mục tiêu mà Nghị quyết 01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 đặt ra mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh là ngày 15/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 08/2018/NÐ-CP, cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh, tương đương 55,5% trong tổng số 1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh mà Bộ Công thương quản lý.

Hiện còn 10 bộ, ngành như Tài chính, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp… chưa gửi về Bộ Kế hoạch và Ðầu tư phương án đề xuất cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh thuộc trách nhiệm quản lý để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Thực tế này đòi hỏi Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh để có thêm những bước tiến lớn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, không chỉ trong năm nay mà cả giai đoạn tới. 

Tin bài liên quan