Ba phương thức cơ bản
Báo cáo Việt Nam trước ngã ba đường của Ngân hàng Thế giới năm 2017 đã tổng kết 3 phương thức cơ bản để có thể nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ nhất, nâng cấp quy trình sản xuất: giá trị được gia tăng thông qua việc sản xuất có hiệu quả hơn, như áp dụng công nghệ và kỹ năng sản xuất tiên tiến, tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Thứ hai, nâng cấp sản phẩm: giá trị được gia tăng thông qua tạo ra sản phẩm tốt hơn hơn hoặc sản phẩm mới, ví dụ thay đổi thiết kế, kiểu dáng và nâng cao thương hiệu, chất lượng.
Thứ ba, nâng cấp hoạt động kinh doanh: giá trị được gia tăng thông qua mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, ví dụ bổ sung công năng cho dây truyền sản xuất hiện tại, đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), tự thiết kế, mở rộng hoạt động marketing và bán hàng.
Những thách thức cần vượt qua
Ðể thực hiện khuyến nghị về tiến lên công đoạn tạo giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam trước hết phải nâng cao năng lực sản xuất. Nhưng thách thức lớn hơn là đồng thời cạnh tranh với các quốc gia khác.
Bên cạnh những mặt tích cực, lợi thế, để tạo ra giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần phải vượt qua những khó khăn, thách thức đang phải đối mặt.
Báo cáo khảo sát về cách mạng công nghiệp 4.0 của Công ty kiểm toán PWC Việt Nam năm ngoái cho thấy, đa số doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát yếu cả về nhận thức và hành động.
Chỉ có 27% người được khảo sát trả lời là có hiểu biết đầy đủ về khái niệm và tác động.
Lực lượng lao động cũng thiếu hiểu biết về kỹ năng cần thiết cho chuyển đổi số hóa; đa số (70%) người trả lời nằm ở giữa hai thái cực, tức là chưa có nhận thức rõ ràng về các kỹ năng cụ thể.
Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xét trên nhiều khía cạnh còn không ít hạn chế và thực trạng quản trị doanh nghiệp là vấn đề đáng quan ngại.
Quản trị yếu kém là mầm mống tranh chấp nội bộ, tác động tiêu cực đến phát triển dài hạn và bền vững, giảm năng lực cạnh tranh và khó khăn trong thu hút vốn đầu tư.
So sánh với các nước xung quanh, quản trị doanh nghiệp của Việt Nam đang ở mức độ thấp và có khoảng cách xa, trong khi nâng cao quản trị doanh nghiệp là một quá trình đòi hỏi thời gian, không thể làm nhanh.
Theo Báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 (GCI), xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp còn hạn chế so với nhiều quốc gia khác. Tổng thể, Việt Nam xếp thứ hạng 77/140 quốc gia.
Việt Nam đang nằm ở khâu tạo giá trị thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, mức độ sẵn sàng cho rủi ro kinh doanh xếp hạng 93/114; tốc độ phát triển công ty sáng tạo xếp hạng 90/140, tỷ lệ sáng chế được bảo hộ so với dân số xếp hạng 89/140, tỷ lệ phần trăm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D0 xếp hạng 76/140, tỷ lệ nhãn hiệu so với dân số xếp hạng 79/140, mức độ liên kết trong công ty xếp hạng 117/140, mức độ liên kết giữa các công ty xếp hạng 94/140.
So sánh điểm trung bình về quản trị doanh nghiệp giữa các quốc gia ASEAN, giai đoạn 2012-2017.
Kỹ năng của lực lượng lao động ở mức rất thấp, xếp hạng 111/140 quốc gia; trong đó: trình độ kỹ năng của người đã tốt nghiệp xếp hạng 128/140, kỹ năng số của dân cư nói chung xếp hạng 98/140 và mức độ dễ dàng trong việc thuê được lao động có kỹ năng xếp hạng 104/140.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018 về năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và mức độ liên kết dựa trên khảo sát đã chỉ ra một số hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam so với các nước như hạn chế về tạo ra sản phẩm mới, hạn chế về doanh nghiệp có chứng nhận chất lượng để có thể trở thành nhà cung cấp và trở thành nhà cung cấp đáng tin cậy.
So sánh xếp hạng năng lực cạnh tranh từ góc độ doanh nghiệp trên một số chỉ số.
Giải pháp từ hai phía: Chính phủ và doanh nghiệp
Như trên đã phân tích, để nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam không chỉ cần vượt qua chính mình, mà đòi hỏi phải tiến kịp và vượt qua quốc gia khác.
Ðây là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi nỗ lực của cả Chính phủ và bản thân các doanh nghiệp; không chỉ nhận thức mà cần có hành động cụ thể và quyết liệt của cả hai.
Về phía Chính phủ, vấn đề mấu chốt hiện nay là thực thi một cách đầy đủ và kịp thời các các giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp cần chủ động, quyết liệt nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt phải có chiến lược kinh doanh dài hạn, xây dựng thương hiệu, nâng cao quản trị doanh nghiệp, giữ chữ tín trong kinh doanh. Doanh nghiệp cần sớm xóa bỏ tư duy kinh doanh “luộm thuộm”, ngắn hạn; thay bằng tư duy chuyên nghiệp và là bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế.