Năm 2014, Việt Nam có 313 giao dịch, với xấp xỉ 4,2 tỷ USD. Như vậy, giá trị mỗi giao dịch tại Việt Nam chỉ khoảng 130 triệu USD, trong khi tại Philippines, Indonesia, con số này khoảng 400 triệu USD/giao dịch. “Hy vọng thời gian tới, sẽ có nhiều giao dịch với giá trị lớn”, TS. Lực nói.
Nhưng làm thế nào để DN Việt Nam thúc đẩy các hoạt động M&A với giá trị cao hơn, sánh ngang với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á?
Ông Chu Chee Kwang, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Nam Long chia sẻ, một trong những mốc son của Công ty ghi nhận vào năm 2008 khi Godman Sachs rót vốn, sau đó năm 2004 chào đón IFC và 2015 một quỹ đầu tư do Capital Land sở hữu 100% vốn tiếp tục đầu tư vào Công ty. “Sự thành công của Nam Long có sự đóng góp lớn của các đối tác nước ngoài”, ông Chu Chee Kwang khẳng định và cho biết, điều quan trọng khi tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài đó là phải có cách tiếp cận theo tinh thần đôi bên đều thắng.
Nhìn từ thương vụ của DN mình, ông Chu Chee Kwang gợi ý, M&A muốn thành công, trước hết, DN phải hiểu rõ vấn đề các nhà đầu tư tiềm năng quan tâm. Cụ thể, họ có thể tìm kiếm tiềm năng tăng trưởng dài hạn của công ty; quan tâm đến uy tín, đến đội ngũ lãnh đạo, cổ đông, nền tảng văn hóa, quản trị của công ty hay quan tâm đến khả năng quản lý chuyên nghiệp… Họ cũng có thể quan tâm cả những điểm rất chi tiết, như tài liệu của công ty có được viết bằng tiếng Anh không, công ty có đảm bảo sự minh bạch không… Theo diễn giả này, khi DN hiểu được “khẩu vị của nhà đầu tư tiềm năng, Ban lãnh đạo sẽ có sự chuẩn bị chuẩn tốt hơn và có khả năng biến nhà đầu tư tiềm năng thành nhà đầu tư chiến lược cao hơn.
Liên quan đến thương vụ M&A giữa BIDV và MHB - thương vụ được bình chọn là M&A tiêu biểu của năm 2015, TS. Cấn Văn Lực trao đổi một số kinh nghiệm đáng chú ý. Muốn M&A thành công, điều quan trọng đầu tiên là phải tìm được đối tác phù hợp. “Cụ thể, đối tác cần phù hợp về chiến lược phát triển về lâu dài; bù đắp cho nhau những điểm mạnh và giảm điểm yếu; hai bên cùng thiện chí”, ông Lực nói và cho biết, công tác thẩm tra đánh giá càng kỹ, càng tốt. “Lãnh đạo hai bên có cam kết, hiểu nhau và sẵn sàng hợp tác, đặc biệt khi ý chí thống nhất ở cấp cao kèm theo các kế hoạch chi tiết, cụ thể thì M&A chắc chắn sẽ có kết quả tích cực”, TS. Lực nói.
TS. Lực chia sẻ, thương vụ M&A của BIDV và MHB hoàn tất trong 55 ngày, thể hiện quyết tâm lớn với những công việc như: “khớp” về con người; hợp nhất công nghệ, khách hàng và cơ chế chính sách. “Quan trọng nhất là phải khẩn trương, quyết liệt, bởi để thương vụ càng lâu, chi phí càng tốn kém và đôi khi rơi mất cơ hội”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Liên quan đến thương vụ Mondelèz International mua CTCP Kinh Đô (Kinh Do Bakery) - được bình chọn là mua lại tiêu biểu tại Diễn đàn M&A 2015, ông Stephane Gripon, Giám đốc điều hành Mondelez Kinh Đô chia sẻ kinh nghiệm, trong 100 ngày đầu tiên sau M&A, DN nên gặp mặt tất cả nhân viên, đối tác chiến lược. DN sau M&A cần có kế hoạch cụ thể về sản phẩm, định hình Ban lãnh đạo mới với kế hoạch phát triển dài hạn, tầm nhìn mới cho tương lai.
Ở vai trò tư vấn pháp lý, TS. Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng: “Một trong những kinh nghiệm thành công của M&A không phải chỉ là đàm phán, mà còn là sự minh bạch, chuẩn bị chu đáo và sau thương vụ đó chúng ta sẽ trình bày, chia sẻ kết quả đó trên tinh thần chân thật”.