Làm sao góp ý với sếp?

Làm sao góp ý với sếp?

Những nhà lãnh đạo có ảo tưởng về uy quyền và tài năng của mình có thể đưa đội ngũ vào tình trạng rủi ro trong thời gian dài.

Ngược lại, khi các nhà lãnh đạo ý thức được giới hạn của họ, họ thường ít khi phạm sai lầm có thể dẫn đến việc đưa đội ngũ, tổ chức hoặc quốc gia của mình vào tình trạng nguy hiểm, theo Tomas Chamorro-Premuzic, CEO của Hogan Assessment Systems và cũng là Giáo sư ngành Tâm lý Kinh doanh của Đại học College London (Anh). 

Trong chia sẻ của mình với Havard Business Review, Tomas cho biết 80% lãnh đạo nghĩ rằng họ tốt hơn mức trung bình. Sự tự tin đôi khi thái quá về năng lực bản thân dẫn đến việc các nhà lãnh đạo nhận được rất ít các phản hồi cần thiết để họ tốt hơn.

Với những nhân viên không ngại góp ý về những nhược điểm của sếp, đây là 3 điều giúp sếp lắng nghe ý kiến của bạn. 

1. Hướng vào động lực cá nhân

Không ai thích bị chỉ trích - đặc biệt là những cá nhân ở địa vị cao. Tuy nhiên, nếu bạn giúp lãnh đạo hiểu làm sao để họ đạt được những mục tiêu cá nhân thì họ sẽ chú ý đến lời nói của bạn. Cách hiệu quả nhất để làm việc này chính là hướng vào động lực và giá trị của người lãnh đạo. 

Ví dụ, nếu lãnh đạo của bạn quan tâm đến danh tiếng của bản thân, hãy bắt đầu bằng hình ảnh hiện tại của họ với những người xung quanh.

Với những nhà lãnh đạo bị ám ảnh về quyền lực, bạn có thể tiếp cận bằng cách chỉ ra những phản hồi của bạn giúp gia tăng sức ảnh hưởng và sự phát triển nghề nghiệp của họ thế nào.

Còn với các lãnh đạo quan tâm đến con người, cách tốt nhất để thuyết phục là "bằng cách thay X và Y, anh/chị có thể khai thác những tiềm năng của đội ngũ và cải thiện sự gắn kết cũng như phúc lợi của họ". 

2. Hãy để dữ liệu chứng minh 

Lãnh đạo không phải lúc nào cũng để tâm đến quan điểm cá nhân mà thường chỉ quan tâm đến kết quả. Vì vậy, Phản hồi 360 độ giữa các nhân viên với lãnh đạo và đo lường sự gắn kết của nhân viên là hai phương pháp có thể giúp các lãnh đạo hiểu về nhược điểm của họ.

Cụ thể, việc Phản hồi 360 độ có thể giúp người lãnh đạo hiểu về cách nhân viên đang nhìn nhận về họ. Mức độ gắn kết của nhân viên là một trong những chỉ số thể hiện hiệu quả lãnh đạo. 

3. Nhấn mạnh mặt trái của sự tự tin

Điểm cuối cùng là dẫn chứng trường hợp thực tế trên diện rộng có thể thuyết phục các nhà lãnh đạo về việc tự cao quá mức có thể mang đến cho họ nhiều vấn đề hơn họ nghĩ.

Tomas cho biết từ Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế Dominic Strauss-Kahn đến Bernie Madoff - nguyên Chủ tịch của sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ đã từng đưa ra nhiều trường hợp điển hình chứng minh cho việc các nhà lãnh đạo thiên tài có thể phá hủy sự nghiệp của bản thân lẫn của người khác khi họ lạm quyền và không kiểm soát được các phẩm chất không mong muốn.

Trong báo cáo nổi tiếng của Jim Collins thì nhận định giám đốc hiệu quả không chỉ là người lãnh đạo có khả năng quản trị mà còn là một người khiêm tốn.

Tin bài liên quan