Cũng cần phải nhắc lại rằng, đây là kỳ họp áp chót của Quốc hội Khóa XIII nên một cái nhìn thẳng thắn, nghiêm túc và đầy trách nhiệm về những gì đã và chưa làm được trong nhiệm kỳ qua, bao gồm cả việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 – 2015) sẽ là nền tảng quan trọng để Quốc hội Khóa XIV tiếp tục khẳng định niềm tin, trách nhiệm và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Kỳ họp thứ 10 đã làm được điều đó.
Thẳng thắn và trách nhiệm là khi các đại biểu Quốc hội, mặc dù khẳng định nền kinh tế đã bắt đầu hồi phục, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, khi tăng trưởng GDP ước đạt trên 6,5% trong năm 2015 và bình quân khoảng 5,9% trong 5 năm, nhưng cũng đã chỉ rõ rằng, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, khả năng hội nhập của nền kinh tế còn thấp.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản tiếp tục gặp khó khăn; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn; chất lượng tín dụng chưa cao; tái cơ cấu trong một số ngành, lĩnh vực chậm…
Thẳng thắn và trách nhiệm khi với tinh thần đổi mới và truy đến cùng trách nhiệm, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ mười đã diễn ra trong không khí sôi nổi và đối thoại dân chủ chưa từng có về các vấn đề nổi cộm của nền kinh tế, của đời sống dân sinh…
Thẳng thắn và trách nhiệm khi Quốc hội đã dành thời gian để thảo luận các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng với những định hướng lớn về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước 5 năm (2016 – 2020), kỳ Đại hội sẽ có những quyết sách quan trọng về công cuộc Đổi mới của đất nước.
Và cũng đầy thẳng thắn và trách nhiệm khi các đại biểu Quốc hội thảo luận, góp ý và bấm nút thông qua một loạt dự luật có ý nghĩa rất quan trọng trong hệ thống pháp luật nước nhà, như Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố dụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân…
Từng ngày trong suốt hơn 1 tháng, những dấu ấn của Kỳ họp thứ mười, Quốc hội Khóa XIII đã được ghi, cho dù đâu đó vẫn còn có những vấn đề khiến dư luận còn chưa thỏa đáng, từ việc một số câu hỏi trả lời chất vấn còn chưa đi thẳng vào vấn đề và chưa biết, liệu lời hứa của các vị bộ trưởng được thực hiện đến đâu, đến việc có những phiên họp phải kết thúc sớm vì không nhiều đại biểu Quốc hội đăng đàn phát biểu…
Mặc dù vậy, những quyết nghị quan trọng nhất đã được thông qua, mà một trong số đó là Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Dù đây là hoạt động thường kỳ của kỳ họp Quốc hội cuối năm, song quyết nghị lần này có ý nghĩa vô cùng to lớn, bởi năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 – 2020).
Mục tiêu cụ thể đã được đặt ra, đó là phải tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn, khoảng 6,7%, lạm phát dưới 5%, đồng thời cải thiện chất lượng tăng trưởng và bảo đảm phát triển bền vững…
Kỳ họp đã kết thúc tốt đẹp, nhưng điều quan trọng là làm sao để đưa các quyết nghị đó đi vào cuộc sống, từ việc đổi mới công tác giám sát, đến thực thi chính sách pháp luật, rồi hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
Vẫn như thường lệ, cuối tháng 12/2015 sẽ là thời điểm để Chính phủ bắt đầu triển khai thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Khi trả lời chất vấn Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã lại một lần nữa khẳng định sự nỗ lực ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm cho việc thực hiện thành công kế hoạch này.
Tinh thần đó cần được quán triệt khi thực thi tất cả quyết nghị khác của Quốc hội.