Làm sao đất nước hạnh phúc, dân tộc phồn vinh

(ĐTCK) Năm 2017, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,81%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất châu Á và toàn cầu. Đồng thời, cải cách kinh tế được đẩy mạnh, tăng cường công khai, minh bạch. Môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và công bằng. Qua đó, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra sinh khí mới cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn thừa nhận, nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong trung và dài hạn. Trong đó, một thách thức quan trọng là làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững, nhờ đó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Nền kinh tế phải có khả năng chống chịu cao hơn với những biến động lớn. Chất lượng tăng trưởng phải nâng lên, năng suất lao động xã hội phải cao hơn hẳn, các chỉ số môi trường phải được cải thiện rõ rệt.

Xã hội phải yên bình và an ninh, an toàn hơn. Mọi người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế phải có cuộc sống tốt hơn cả về vật chất và tinh thần...

Làm sao đất nước hạnh phúc, dân tộc phồn vinh ảnh 1

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Sau hơn 30 năm đổi mới kể từ năm 1986, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng chúng ta không được chủ quan và thỏa mãn với kết quả đạt được, không được phép để quán tính cỗ máy phát triển dừng lại.

Thời gian tới, Việt Nam cần kiên trì theo đuổi mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo. Cần nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào những lợi thế cạnh tranh cũ như tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân công giá rẻ.

Câu hỏi rất hay và quan trọng là làm thế nào để Việt Nam vừa tăng trưởng kinh tế nhanh, vừa bền vững. Đây là hai mục tiêu có thể mâu thuẫn với nhau, nhưng một số nước đã đạt được như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Chúng ta hãy cùng nỗ lực biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, của dân tộc thành những việc làm và hành động cụ thể, tận dụng triệt để cơ hội, vững vàng vượt qua thách thức, phát huy tối đa những tiềm lực của nền kinh tế, để phấn đấu trở thành một “con hổ kinh tế” mới của châu Á.

Phải thực hiện tam giác phát triển: kinh tế, xã hội, môi trường, không để ai bị bỏ lại phía sau, làm sao đất nước hạnh phúc, dân tộc phồn vinh.

(Tổng hợp phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức và Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) 

Tin bài liên quan