Bắt đầu từ sáng nay (31/5) Quốc hội thảo luận toàn thể về kinh tế, xã hội, ngân sách trong hai ngày liên tục.
Cần đánh giá, phân tích việc điều chỉnh giá điện, vì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nhiều lần điều chỉnh tăng giá điện, nhưng vẫn tiếp tục báo lỗ và tiếp tục đề nghị điều chỉnh tăng giá. Bất cập trong điều hành, cũng như cơ chế xây dựng giá đối với xăng dầu trách nhiệm thuộc về ai và thiệt hại như thế nào.
Đó là một số trong nhiều vấn đề nóng được tổng hợp tại báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội về ý kiến tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách hôm 25/5.
Bắt đầu từ sáng nay (31/5), nội dung này tiếp tục được Quốc hội thảo luận ở hội trường. Như thông lệ, các thành viên Chính phủ sẽ được mời giải trình làm rõ những vấn đề liên quan mà đại biểu Quốc hội đề cập.
Nhiều vấn đề được phản ánh từ 192 lượt ý kiến thảo luận tổ cũng đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gửi báo cáo giải trình trước phiên thảo luận toàn thể.
Theo báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội, tại phiên thảo luận tổ, một số vị đại biểu Quốc hội đề nghị cần đánh giá, phân tích việc điều chỉnh giá điện, vì Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nhiều lần điều chỉnh tăng giá mặt hàng này, nhưng vẫn tiếp tục báo lỗ và tiếp tục đề nghị điều chỉnh tăng giá.
Các đại biểu cho rằng cần làm rõ việc công ty mẹ báo lỗ trong khi các công ty con vẫn công bố lợi nhuận cao trong năm 2022.
Không chỉ ý kiến tại một tổ thảo luận đề nghị làm rõ nguyên nhân EVN lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng và cần nghiên cứu xây dựng cơ chế giá hợp lý để các nhà máy điện tư nhân, các dự án điện, năng lượng tái tạo tham gia vào kinh doanh điện; nghiên cứu phương án tối ưu để đảm bảo cho an ninh năng lượng và tìm được nguồn nhiên liệu rẻ và sạch hơn để từ đó làm giảm giá thành sản xuất, theo báo cáo tổng hợp.
Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quan trọng, nhưng được phê duyệt chậm, cần xem lại trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với việc chậm này. Một số dự án của doanh nghiệp điện gió thua lỗ nặng, tiến độ đàm phán giá chậm, mức giá đàm phán thấp, đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để giải quyết vấn đề này – đại biểu Quốc hội nêu vấn đề.
Cạnh đó có ý kiến đề nghị cần quan tâm đến an ninh năng lượng khi tình hình cắt điện đang thường xuyên hơn. Theo đại biểu Quốc hội, Bộ Công Thương cần sớm thương thảo với các công ty, tập đoàn điện gió, điện mặt trời để thu mua và hòa vào lưới điện, đảm bảo cung cấp điện trong mùa hè.
Đại biểu cung lưu ý vấn đề tỷ lệ nội địa hóa rất thấp trong lĩnh vực năng lượng (như dự án thủy điện tỷ lệ nội địa hóa chỉ 30%, nhiệt điện 25%, điện khí 7%,.... Giá điện hiện đang còn mang tính cào bằng, việc thu giá điện không đúng với chi phí thực cấu thành nên giá điện….
Vẫn liên quan đến lĩnh vực Bộ Công thương phụ trách, đại biểu cho rằng việc sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu có rất nhiều bất cập, làm méo mó thị trường, trong kỳ điều hành, nếu sử dụng quỹ thì giảm bớt biên độ biến động giá, nhưng nếu giá thế giới tiếp tục tăng trong kỳ điều hành tiếp theo mà Quỹ bình ổn không còn, biến động giá trong nước sẽ cao hơn biến động giá thế giới, gây sốc cho thị trường, người dân và doanh nghiệp.
Đại biểu đề nghị rà soát, đánh giá rõ vấn đề điều hành, cũng như cơ chế xây dựng giá đối với xăng dầu, làm rõ trách nhiệm này thuộc về ai và thiệt hại như thế nào.
Ngoài ra, theo báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, có ý kiến phản ánh việc thiếu hụt trung tâm đăng kiểm dẫn đến tình trạng ùn ứ trong công tác kiểm định, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Việc này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngày 31/5 và sáng 1/6 Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Sáng 1/6 có thêm nội dung chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam
Chiều 2/6 thảo luận ở hội trường về: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022.
Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.
Tất cả các phiên thảo luận đều được phát thanh truyền hình trực tiếp.