Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long trình bày báo cáo của Tiểu ban 1.
Sáng 9/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ bảy, thẩm tra các báo cáo của các cơ quan tư pháp, trong đó có báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022.
Theo nhận định của Chính phủ, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến phức tạp. Tội phạm liên quan đến tín dụng đen chuyển hướng hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi dưới dạng hợp đồng thế chấp tài sản, hỗ trợ tài chính... gây khó khăn cho công tác điều tra.
Nguyên cán bộ cấp cao cũng vụ lợi
Trình bày ý kiến của Tiểu ban 1 về báo cáo này, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Công Long nhấn mạnh, việc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid - 19 để trục lợi đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng cho nhà nước, người dân và xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương.
Trong đó nổi lên là một số vụ án có quy mô, vi phạm đặc biệt lớn như các vụ mua bán, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch; thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ các vùng dịch về nước.
"Đặc biệt, liên quan đến các vụ việc trên còn có cả những bị can nguyên là cán bộ cấp cao đã lợi dụng chính sách của nhà nước làm trái quy định để vụ lợi", ông Long nhấn mạnh.
Minh chứng, báo cáo dẫn vụ Việt Á, đến nay C03 đã khởi tố 26 bị can; công an 21 địa phương đã khởi tố 24 vụ/63 bị can; vụ án đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Cục lãnh sự- Bộ Ngoại giao.
Theo Tiểu ban 1 thì công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập, dẫn đến các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi tội phạm. Đặc biệt, việc quản lý mạng viễn thông, internet, mạng xã hội vẫn chưa đạt yêu cầu; tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi hơn, điển hình như sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen, tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá, xâm nhập hệ thống ngân hàng để thu thập, đánh cắp thông tin chiếm đoạt tài khoản của khách hàng, phát tán tin nhắn quảng cáo hoạt động cờ bạc, mại dâm...
Nhận định tiếp theo được ông Long đề cập là công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ còn nhiều sơ hở, dẫn đến một số đối tượng lợi dụng để thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vốn, đến an ninh, tài chính tiền tệ. Trong đó, hành vi phạm tội được thực hiện trong một thời gian dài mới được phát hiện, xử lý.
Báo cáo dẫn chứng vụ án Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC bị khởi tố về hành thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm đã thông qua phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ đồng của 6.000 nhà đầu tư...
Đáng chú ý tiếp theo, theo Tiểu ban 1 là vẫn xảy ra tình trạng tiếp tay, nhận hối lộ của một số cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật để làm ngơ cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, xảy ra trong thời gian dài gây bức xúc dư luận.
Đặc biệt là vụ một số cán bộ của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Cảnh sát biển bị khởi tố về hành vi nhận hối lộ, bảo kê cho chủ doanh nghiệp nhập lậu hơn 198 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ.
Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực đất đai xảy ra ở nhiều địa phương, chủ yếu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thành lập pháp nhân để thực hiện dự án chưa được cấp giấy phép, dự án không có thật trên đất nông nghiệp hoặc đất không có quyền sở hữu... sau đó quảng cáo rầm rộ, huy động vốn trái phép; hoặc thông đồng, mua bán qua lại các ô đất, tạo cơn sốt đất ảo, thổi giá đất của doanh nghiệp bất động sản, tiềm ẩn nguy cơ bong bóng bất động sản.
Chỉ công bố các quán karaoke có vi phạm là chưa đủ
Đề cập vấn đề đang rất thời sự về phòng cháy chữa cháy, ông Long nhấn mạnh “số vụ cháy tuy có giảm nhưng vẫn xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản”. Trong đó vụ cháy vừa xảy ra ở Thuận An (Bình Dương) khiến 32 người chết và vụ cháy quán karaoke làm 3 cán bộ, chiến sĩ PCCC ở Hà Nội tử vong.
Đối với các vụ cháy này, ông Long cho rằng, mặc dù các cấp, ngành đã tăng cường quản lý và gần đây nhất, Công an thành phố Hà Nội đã công bố các quán karaoke có vi phạm cho toàn dân biết, nhưng biện pháp đó là chưa đủ. "Karaoke là hoạt động kinh doanh có điều kiện, nguy cơ rất cao. Nếu phát hiện không đủ điều kiện về PCCC thì các cơ quan chức năng rút giấy phép, có biện pháp xử lý ngay chứ không phải đăng lên cho nhân dân biết. Chúng tôi cho rằng cần tăng cường quản lý nhà nước", ông Long nêu quan điểm.
Từ những vấn đề nêu trên, Tiểu ban 1 đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các ngành liên quan nhanh chóng rà soát, kiểm tra quy trình, công tác quản lý về đấu thầu, mua sắm thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế để kịp thời hoàn thiện bất cập về mặt chính sách nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng trục lợi. Đồng thời để đảm bảo quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh của người dân, khi hiện nay, do bất cập chính sách, các cơ quan y tế không thể mua sắm được thuốc chữa bệnh và vật tư trang thiết bị y tế hoặc có mua sắm nhưng với chất lượng thấp, không bảo đảm.
Chính phủ cũng được đề nghị chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan rà soát làm rõ những bất cập trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định chặt chẽ, phù hợp nhằm hạn chế các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, đề nghị làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức có thẩm quyền đã để các vụ việc vi phạm kéo dài nhiều năm mới bị phát hiện, xử lý. Đồng thời, bên cạnh việc xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm cần có biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, người dân, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông Long nói.