Một phiên hop tại kỳ họp bất thường của Quốc hội khoá XV.
Ủy ban Pháp luật vừa gửi Quốc hội báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.
Luật chờ 3 năm chưa có hướng dẫn
Cơ quan của Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, trở thành công tác trọng tâm, thường xuyên với nhiều đổi mới, sáng tạo hiệu quả, thích ứng với tình hình mới.
Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nước ta thời gian qua phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do tình hình dịch Covid- 19 và sức ép lạm phát cao, rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ gia tăng, chuỗi cung ứng đứt gãy, thị trường bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo, từ tháng 10/2021 đến nay, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến đối với 24 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; 19 dự án luật và dự thảo nghị quyết.
Báo cáo cũng chỉ ra các hạn chế, bất cập trong công tác triển khai thi hành pháp luật năm 2022.
Cụ thể, đến nay, còn 16/75 văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực còn nợ chưa ban hành, chiếm 21,33% (11 nghị định, 5 quyết định). So với năm 2021, việc nợ ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực tăng lên, mặc dù số văn bản cần ban hành ít hơn so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong số 16 văn bản nợ chưa ban hành có 2 văn bản (1 quyết định, 1 nghị định) quy định chi tiết của 2 luật chậm ban hành so với thời điểm luật có hiệu lực là hơn 3 năm.
Một là, quyết định của Thủ tướng ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia quy định chi tiết Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Hai là, nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia quy định chi tiết Luật Cạnh tranh có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.
Thậm chí, trong số các văn bản đã ban hành, có 1 văn bản chậm ban hành 3 năm 10 tháng so với thời điểm luật có hiệu lực (Nghị định số 53/2022/NĐ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng).
Số các văn bản được ban hành để có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh, nghị quyết mới chỉ đạt 25/59 văn bản (chiếm 42,37%).
Vẫn để xảy ra tham nhũng, tiêu cực
Ủy ban Pháp luật đánh giá, việc thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ở một số nơi, một số thời điểm còn chưa tốt, vẫn để xảy ra tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào tính liêm chính của bộ máy thực thi công vụ.
Bên cạnh đó, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp trong một số lĩnh vực, như buôn lậu, vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới, gian lận xuất xứ; lợi dụng thương mại điện tử để trốn thuế, tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 gia tăng, nhất là các loại vật tư, trang thiết bị y tế và các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch; trục lợi trong tổ chức tiêm vắc-xin, xét nghiệm Covid-19; lợi dụng việc đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước để trục lợi30...; vi phạm pháp luật xảy ra ở một số lĩnh vực gây bức xúc cho dư luận.
Cơ quan của Quốc hội còn chỉ ra rằng, Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã đề ra nhiều quyết sách quan trọng để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”. Trên cơ sở đó Chính phủ đã rất khẩn trương, kịp thời ban hành văn bản để triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban, ngành.
Tuy nhiên, nhiều quy định của các văn bản này chậm được triển khai trên thực tế như việc giảm thuế giá trị gia tăng (theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP32), việc thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà chongười lao động (theo Nghị quyết số 43/2022/QH1533)... đã làm giảm ý nghĩa, mục đích cấp thiết của các giải pháp này, ảnh hưởng tới niềm tin của người dân.
Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị báo cáo rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan để từ đó có giải pháp khắc phục.
Bên cạnh đó, cơ quan của Quốc hội cũng nêu rõ, kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương trong cả nước năm 2021 cho thấy mới xử lý được 202/305 văn bản (đạt 66,23%); còn 103 văn bản chưa được xử lý khắc phục (chiếm tỷ lệ 33,77%).
Báo cáo chưa đánh giá nguyên nhân của việc ban hành 238 văn bản quy phạm pháp luật có quy định trái pháp luật và trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong việc ban hành các văn bản trái pháp luật này, cơ quan của Quốc hội lưu ý.
Ủy ban Pháp luật cũng nhận xét, có tình trạng một số dự án luật, nghị quyết đề nghị bổ sung vào Chương trình ngay sát thời điểm họp Quốc hội hoặc “lạm dụng” đề xuất áp dụng quy trình rút gọn làm ảnh hưởng đến chất lượng văn bản.
Một số văn bản dưới luật như thông tư hoặc thậm chí công văn chỉ đạo, điều hành có chứa quy phạm pháp luật nếu không được kiểm soát chặt chẽ có thể tạo ra những hàng rào kỹ thuật để “che chắn” cho những “lợi ích cục bộ” này.
Trong công tác tổ chức thi hành pháp luật, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chú trọng thể chế hóa và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương của Đảng về chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật; không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của các tổ chức, cá nhân.