Làm rõ thêm các căn cứ để thiết kế gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
Đó là một trong những mục tiêu của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ diễn ra vào ngày 5/12 tới đây.
Chủ tịch Quốc hội làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế và nhóm chuyên gia, nhà nghiên cứu sáng 30/11. (Ảnh - Quochoi.vn)

Chủ tịch Quốc hội làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế và nhóm chuyên gia, nhà nghiên cứu sáng 30/11. (Ảnh - Quochoi.vn)

Đó là một trong những mục tiêu của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ diễn ra vào ngày 5/12 tới đây với sự phối hợp tổ chức của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, đề cập nội dung này tại cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế và nhóm chuyên gia, nhà nghiên cứu sáng 30/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết mục tiêu của Diễn đàn nhằm góp phần làm rõ thêm các căn cứ khoa học và thực tiễn để cùng Chính phủ thiết kế một gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ. Việc này nhằm cụ thể hóa chủ trương, kết luận của Trung ương tại Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XIII) và Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV về Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh.

Trong thời gian qua, nhiều nghiên cứu về vấn đề này đã được thực hiện, trong đó có nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế và Nhóm chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Diễn đàn sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, có kết nối với các điểm cầu trong nước và các học giả, các chuyên gia, nhà nghiên cứu của các nước trên thế giới.

Theo chương trình dự kiến, Diễn đàn diễn ra trong 1 ngày. Buổi sáng sẽ có Tọa đàm cấp cao: Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Những vấn đề dự kiến được bàn thảo ở toạ đàm là phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách với Việt Nam; một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam; kiến tạo động lực cho phục hồi và phát triển.

Tình hình, diễn biến mới nhất của kinh tế thế giới và khuyến nghị chính sách đẩy mạnh phục hồi kinh tế cũng là vấn đề được nêu tại phiên này.

Cũng trong buổi sáng, diễn đàn sẽ bàn về tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2020 và năm 2021.; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng do tác động của Covid-19; nghiên cứu các chính sách giai đoạn hậu Covid-19 (tập trung sâu vào vấn đề kinh tế) đã được thực hiện trên thế giới, hiệu quả và những rủi ro đi kèm, những cơ hội, thách thức cho Việt Nam cũng là nội dung được đặt lên bàn nghị sự.

Ngoài ra các diễn giả, chuyên gia cũng sẽ đưa ra những gợi ý về xây dựng Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội với quy mô, thời gian, phạm vi cụ thể; huy động và sử dụng nguồn lực; thực hiện, kết hợp chính sách tiền tệ và tài khóa; định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, phát triển văn hóa, bảo đảm trật tự an toàn, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội... Đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế thực hiện cụ thể với nguồn lực kèm theo.

Buổi chiều sẽ có các phiên thảo luận chuyên đề về phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế.

Đề dẫn cho phiên này dự kiến gồm các vấn đề chính sách thuế cho giai đoạn phục hồi kinh tế: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị dành cho Việt Nam; Dư địa chính sách tài khóa và phối hợp chính sách tài khóa - tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới; Chuyển đổi số - tìm cơ trong nguy để bứt phá, phát triển kinh tế.

Chuyên đề thứ hai trong buổi chiều là bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế.

Tại đây, các diễn giả sẽ nêu khuyến nghị về chính sách về lao động, thị trường lao động và việc làm tại Việt Nam. Đẩy mạnh đào tạo nghề góp phần cung ứng nhân lực có kỹ năng cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững đất nước. An sinh xã hội cho các nhóm dễ tổn thương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam...

Với khoảng 30 bài viết đã được đặt hàng các chuyên gia, nhiều vấn đề quan trọng của nền kinh tế trong giai đoạn đặc biệt này sẽ được phân tích nhiều chiều tại diễn đàn.

Với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tổ chức diễn đàn để tham vấn ý kiến chuyên gia là hình thức đã được thực hiện từ các khoá XII, XIII. Các Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân, mùa Thu của nhiều năm từng gây tiếng vang lớn với các phân tích, phản biện, khuyến nghị thắng thắn, sâu sắc của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội.

Ngay từ nhiệm kỳ khoá XII, Ủy ban Kinh tế khoá này đã đặt ra và theo đuổi quan điểm xuyên suốt là phải giải quyết những bất ổn vĩ mô từ gốc, coi ổn định vĩ mô là nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Sau các diễn đàn cơ quan tổ chức đều có những kiến nghị có giá trị gửi đến các cơ quan chức năng và đại biểu Quốc hội.

Tin bài liên quan