Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là việc chuyển đổi doanh nghiệp từ hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần. Theo quy định hiện nay, công ty TNHH hai thành viên được hướng dẫn quy trình chuyển sang công ty cổ phần. Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu chuyển đổi của công ty TNHH một thành viên - công ty vốn xuất hiện trong quá trình đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần là rất lớn. Vấn đề này trở nên bức xúc khi các hướng dẫn mà doanh nghiệp nhận được từ phía cơ quan đăng ký kinh doanh là phải làm thủ tục chuyển đổi từ công ty TNHH một thành viên sang công ty TNHH hai thành viên trước khi làm thủ tục chuyển đổi sang công ty cổ phần. Có nghĩa là doanh nghiệp phải qua 2 bước chuyển đổi mới đạt được mục đích của mình. Điều đáng nói là chính các công chức trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, người thực hiện hướng dẫn doanh nghiệp chuyển đổi, cũng không hiểu tại sao lại phải qua 2 bước như vậy. Một cán bộ Phòng đăng ký kinh doanh TP. Đà Nẵng thừa nhận rằng, chính vì các văn bản pháp luật liên quan chỉ quy định 2 bước nên buộc phải hướng dẫn như vậy. “Tôi cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể làm 1 bước chuyển đổi từ công ty TNHH một thành viên sang công ty cổ phần. Nhưng nếu không có hướng dẫn bằng văn bản để thực hiện thống nhất thì không thể triển khai được”, vị cán bộ này nói. Với những đề xuất tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, có thể việc chuyển đổi tới đây của doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn. Theo đó, quy trình chuyển đổi từ công ty TNHH sang công ty cổ phần được quy định khá đơn giản, rõ ràng và theo nguyên tắc chính là doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi theo mẫu gửi cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho công ty mới và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty chuyển đổi. Cụ thể hơn, trong trường hợp công ty TNHH có ít hơn 3 thành viên, việc huy động thêm thành viên mới có thể thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi công ty. Thành viên mới có thể là người nhận chuyển nhượng một phần góp vốn của thành viên hiện có hoặc người nhận góp thêm vốn vào công ty. Liên quan tới cổ đông sáng lập, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, công ty cổ phần mới thành lập phải có tối thiểu 3 cổ đông sáng lập. Cổ đông sáng lập là người góp vốn cổ phần, tham gia xây dựng, thông qua và ký vào bản điều lệ của công ty cổ phần. Các cổ đông này được ghi tên trong điều lệ, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp đề nghị, với các công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác thì không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập. Đặc biệt, bên cạnh quy định về quyền của cổ đông sáng lập theo Luật Doanh nghiệp, trong dự thảo lần này, các chuyên gia soạn thảo làm rõ hơn quyền được chuyển nhượng cổ phiếu của cổ đông sáng lập. Cụ thể, cổ đông sáng lập sở hữu hơn 20% số cổ phần được quyền chào bán, tự do chuyển nhượng số cổ phần vượt đó cho người khác mà không cần có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Điều này có nghĩa là cổ đông sáng lập sẽ chỉ phải đảm bảo trách nhiệm nắm giữ ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán trong 3 năm đầu theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Phần vượt hơn ngoài quy định sẽ hoàn toàn nằm trong sự chủ động của các cổ đông chiến lược. Đồng tình với quan điểm này, tuy nhiên, luật sư Nguyễn Hằng Nga, Văn phòng Luật sư Vũ Hải, cho rằng, có thể xem xét mở rộng quyền hơn đối với cổ đông sáng lập vì trong thực tế, có nhiều người đủ điều kiện trở thành cổ đông sáng lập nhưng không muốn xuất hiện trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì xử lý như thế nào. Cũng tương tự như vậy, trong trường hợp cổ đông sáng lập là người nước ngoài thì việc thực hiện các quy định liên quan tới cổ đông sáng lập sẽ phải theo những nguyên tắc nào… Mặc dù hình thức văn bản này vẫn đang còn nhiều ý kiến khác nhau về việc dừng ở mức thông tư hay nâng lên tầm nghị định, nhưng ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Ban soạn thảo, khẳng định rằng, các quy định này sẽ theo hướng là rõ hơn, có thể mở rộng hơn song vẫn bảo toàn nguyên tắc không trái Luật.
Nhu cầu chuyển đổi doanh nghiệp sang cổ phần là rất lớn
Làm rõ quy định về công ty cổ phần
Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Doanh nghiệp đang được đưa ra lấy ý kiến tiếp tục đề cập tới khá nhiều nội dung liên quan tới công ty cổ phần.