Làm rõ phương án VEC vay vốn trái phiếu Chính phủ mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành

0:00 / 0:00
0:00
Phương án Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC vay lại vốn trái phiếu Chính phủ để mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành sẽ khó đảm bảo tiến độ hoàn thành như lãnh đạo Chính phủ đặt ra.
Một đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện do VEC vận hành khai thác.

Một đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện do VEC vận hành khai thác.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn số 803/BKHĐT - PTHTĐT gửi Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp liên quan đến phương án VEC vay lại từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành thuộc Dự án đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Qua nghiên cứu phương án đề xuất VEC vay lại nguồn trái phiếu Chính phủ để có nguồn vốn thực hiện Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy phương án này có một số vấn đề cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng.

Cụ thể, về căn cứ pháp lý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc phát hành trái phiếu Chính phủ cho doanh nghiệp vay lại để đầu tư vào Dự án cần báo cáo Quốc hội (Luật Quản lý nợ công không quy định về việc vay lại trái phiếu Chính phủ phát hành, chỉ quy định phương thức cho vay lại nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và không phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế, vay thương mại nước ngoài để cho vay lại.

Trong khi đó, việc báo cáo Quốc hội và thực hiện các thủ tục liên quan sẽ kéo dài, khó đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu. Tại Thông báo số 31/TB – VPCP, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu cơ bản hoàn thành việc mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành vào cuối năm 2025.

Ngoài việc chưa xác định rõ thẩm quyền quyết định và lãi suất nhận, trường hợp VEC đầu tư bằng việc vay lại vốn trái phiếu Chính phủ sẽ dẫn đến mức thu phí người sử dụng lên cao hơn so với đầu tư công.

“Đề nghị Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cân nhắc kỹ và có văn bản khẳng định về tính khả thi của việc thực hiện theo phương án này, đảm bảo tiến độ hoàn thành đồng bộ với Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Trường hợp không thực hiện được, đề nghị Ủy ban phối hợp với Bộ GTVT có văn bản báo cáo và khẳng định với Thủ tướng về việc không thể hoàn thành kịp tiến độ theo phương án này”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm.

Ngoài ra, trường hợp VEC vay lại vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm rõ hơn các điều kiện để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận, bao gồm việc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét quyết định sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan việc vay lại trái phiếu Chính phủ; thuyết minh về năng lực tài chính của bên vay lại; phương án vay vốn, sử dụng vốn vay, doanh thu, chi phí, hiệu quả đầu tư và khả năng trả nợ của bên vay lại; tài sản bảo đảm của bên vay lại; phương án quản lý, xử lý tài sản thế chấp; mức độ rủi ro, giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong trường hợp không trả được nợ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý việc trình Quốc hội xem xét, quyết nghị những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Thông báo số 12/TB-VPCP ngày 13/1/2025 về kết luận tại cuộc họp triển khai Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo về Dự án mở rộng tuyến đường cao tốc TP. HCM- Long Thành.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ GTVT nghiên cứu, lựa chọn, báo cáo Thủ tướng việc triển khai theo 1 trong 3 phương án: VEC vay lại nguồn phát hành trái phiếu); Bộ GTVT i chủ trì triển khai bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương (nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2024); SCIC và VEC liên kết đầu tư.

“Hiện nay Luật PPP, Luật Đầu tư công, Luật Đường bộ đã cho phép giao vốn đầu tư công cho các cơ quan, trong đó có doanh nghiệp nhà nước, thẩm quyền quyết định của Thủ tướng. Để đảm bảo thống nhất trong các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, đề nghị Ủy ban phối hợp với Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng về các phương án đầu tư Dự án, trong đó đề xuất phương án khả thi nhất trong điều kiện hiện nay nhằm đảm bảo tiến độ tổng thể của các dự án kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Trước đó, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có công văn xin ý kiến các bộ ngành phương án vay 15.030 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành.

Theo đề xuất, VEC cần vay khoảng 15.030 tỷ đồng, tương đương 100% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng với thời hạn 15 năm để thực hiện đầu tư mở rộng cao tốc TP. HCM - Long Thành trong năm 2025.

Được biết, Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành từ vành đai 2 TP. HCM đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 21 km, trong đó đoạn từ vành đai 2 - vành đai 3 được mở rộng lên 8 làn xe theo quy hoạch; đoạn từ vành đai 3 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mở rộng lên 10 làn xe.

Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15.720 tỷ đồng, đã bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng, trong đó VEC huy động toàn bộ vốn để thực hiện và tổ chức khai thác, thu phí hoàn vốn theo Luật Đầu tư. Số tiền gốc vay lại trái phiếu chính phủ được thanh toán một lần vào ngày đáo hạn; tiền lãi được thanh toán hàng năm.

Tin bài liên quan