Làm rõ hơn vai trò của Quốc hội trong bảo vệ Hiến pháp

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ hơn vai trò của Quốc hội trong bảo vệ Hiến pháp, nhấn mạnh và làm rõ hơn vai trò, cơ chế để người dân tham gia bảo vệ Hiến pháp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.

Chiều 3/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện 4 chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Tại phiên họp này, Ban Chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về việc hoàn thiện Chuyên đề số 12 "Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo Đề án và Đảng đoàn Quốc hội, Chuyên đề số 12 phải hoàn thành chậm nhất là ngày 30/11/2021.

Tại phiên họp thứ 2 ngày 19/10/2021, Ban Chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Chuyên đề số 12 và ra thông báo Kết luận của Ban Chỉ đạo đối với dự thảo chuyên đề. Báo cáo tại phiên họp, TS Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho biết cơ bản các ý kiến đều đánh giá dự thảo Chuyên đề bảo đảm cả về mặt lý luận và thực tiễn; tính chính trị - pháp lý trong các đánh giá, nhận định; bảo đảm về mặt tiến độ và kế hoạch mà Ban Chỉ đạo đề ra.

Tiểu ban xây dựng Chuyên đề số 12 đã tiếp thu tối đa ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ hai. Theo đó, dự thảo Chuyên đề đã hệ thống hóa các công trình nghiên cứu trước đây, kế thừa những nghiên cứu khoa học còn hợp lý, đồng thời phát triển phù hợp với yêu cầu mới, từ đó, làm rõ và thống nhất nhận thức chung về cơ chế bảo vệ Hiến pháp, yếu tố cấu thành của cơ chế bảo vệ ở Việt Nam; đánh giá khái quát thực trạng quy định pháp luật về cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở nước ta hiện nay và làm rõ sự phát triển trong quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp và hệ thống các văn bản pháp luật về cơ chế bảo vệ Hiến pháp, các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp, các hoạt động có liên quan đến bảo vệ Hiến pháp. Dự thảo Chuyên đề cũng đã dự báo bối cảnh tình hình thế giới và trong nước, xác định rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở nước ta giai đoạn 2021-2030 và giai đoạn 2030-2045, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo tán thành với quan điểm cần phải tăng cường trách nhiệm bảo vệ hiến pháp của các chủ thể, trong đó phát huy vai trò của Nhân dân trong bảo vệ Hiến pháp. Tuy nhiên có ý kiến cũng đề nghị cần phân biệt phương thức Nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp với phương thức nhân dân thực hiện quyền bảo vệ hiến pháp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, tâm huyết của Tiểu ban và các ý kiến tại Phiên họp. Trên cơ sở tiếp thu tối đa ý kiến tại Phiên họp để hoàn thiện, Chủ tịch Quốc hội cho rằng dự thảo Chuyên đề đủ điều kiện, bảo đảm chất lượng để trình Đảng đoàn Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ hơn nội hàm của khái niệm bảo vệ Hiến pháp; nhận diện hành vi vi phạm hiến pháp, từ đó gắn với đánh giá thực trạng đặt ra yêu cầu đối với bảo vệ Hiến pháp; làm rõ hơn vai trò của Quốc hội trong bảo vệ Hiến pháp; nhấn mạnh và làm rõ hơn vai trò, cơ chế để người dân tham gia bảo vệ Hiến pháp. Bên cạnh đó, cần phân tích thêm cơ chế ngăn ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm Hiến pháp. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc hoàn thiện dự thảo Chuyên đề cần tiếp tục quán triệt nhất quán cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và thực tiễn.

Về kiến nghị, đề xuất trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Chủ tịch Quốc hội cơ bản thống nhất với các phương án Tiểu ban đã trình, cụ thể hóa và tăng cường hơn các hoạt động nhằm thực hiện chức năng bảo vệ Hiến pháp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Chính phủ, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân, trong đó, làm đậm hơn vai trò của Quốc hội trong bảo vệ Hiến pháp với vai trò là cơ quan lập pháp, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân cả nước và cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Đối với giai đoạn sau năm 2030, định hướng sau năm 2045, hiện vẫn còn ý kiến khác nhau, do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tiểu ban xây dựng Chuyên đề số 12 tiếp tục hoàn thiện, chọn phương án khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta để trình Ban chỉ đạo Đảng đoàn cho ý kiến.

Tin bài liên quan