
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy (người thứ hai từ bên trái) trong khảo sát thực tế tại các địa phương để phục vụ công tác báo cáo thẩm tra Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Với tư cách là lãnh đạo Bộ GTVT được giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách công tác chuẩn bị đầu tư Dự án, xin ông cho biết vì sao lại đề xuất chính sách số 19, trong đó cho phép người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm, nếu trong quá trình thực hiện dự án xảy ra các hành vi, tác động tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí?
Trước hết, tôi xin cập nhật thông tin mới nhất về Dự án là tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tại tờ trình mới nhất gửi Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Chính phủ chỉ còn đề xuất 18 cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Chính phủ đã đề xuất không đưa chính sách 19 vào nhóm các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội để triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Với quy mô lên tới 8,369 tỷ USD, Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là công trình hạ tầng giao thông có quy mô lớn, công nghệ kỹ thuật mới, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.
Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành theo tiến độ yêu cầu, đơn vị tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đã đề xuất được áp dụng một số các chính sách đặc thù, đặc biệt nhằm bảo đảm khả thi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện; huy động nguồn lực đầu tư; phân cấp, phân quyền đầu tư; phát triển công nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực.
Khi tham mưu, đề xuất các chính sách này cho Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các cán bộ thuộc Bộ GTVT và các đơn vị liên quan hoàn toàn không có mục tiêu tư lợi. Tất cả đều vì mục tiêu đáp ứng tiến độ, chất lượng công trình được cấp có thẩm quyền yêu cầu.
Trong đó, hầu hết các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đề xuất áp dụng cho Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cũng đã được Quốc hội cho phép triển khai tại Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam
Trong số 4 chính sách mới thuộc thẩm quyền của Quốc hội được kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, áp dụng tại Tờ trình số 69/TTr-CP ngày 8/2/2025 có chính sách số 19.
Chính sách này cho phép người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện Dự án được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm, nếu trong quá trình thực hiện dự án xảy ra các hành vi, tác động tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí. Đề xuất này được cụ thể hóa Kết luận số 14 – KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong quá trình chuẩn bị, triển khai Dự án.
Cụ thể, Kết luận số 14 – KL/TW nêu rõ khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Đồng thời, tại điểm c khoản 2 Điều 68 Luật công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã có quy định miễn trách nhiệm dân sự khi thực hiện hoạt động khoa học. Dự thảo Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đang trình Quốc hội (dự kiến quyết định tại kỳ họp thứ 9), cơ quan soạn thảo cũng đề xuất có quy định miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
Do thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư Dự án rất ngắn, quy mô đầu tư lớn, phức tạp về công nghệ nên không thể loại trừ việc các cán bộ tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù dù đã rất trách nhiệm, trong sáng nhưng vẫn có thể chưa lường hết tác động tiêu cực, có thể gây ra các hành vi, tác động tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí trong quá trình thực hiện Dự án.
Chính vì vậy, việc đề xuất chính sách này là để khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo tham mưu đề xuất các chính sách mới vì lợi ích chung; phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị và quy định của các Luật đã và đang được xây dựng, ban hành.
Thưa ông, vì sao chính sách số 19 được đề cập tại Tờ trình số 69/TTr-CP lại chỉ giới hạn áp dụng cho những người tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng?
Như đã trao đổi, chính sách này là để thể chế hóa Kết luận số 14 – KL/TW của Bộ Chính trị trong việc tham mưu, đề xuất những cơ chế chính sách mới, chưa có tiền lệ và đủ mạnh để triển khai công trình một cách nhanh nhất, chất lượng nhất.
Vì vậy, giới hạn miễn trừ trách nhiệm chỉ dành cho những người tham mưu ban hành chính sách thuộc các bộ, ngành thuộc Chính phủ, Quốc hội, không dành cho toàn bộ các đối tượng thực hiện dự án.
Thời gian áp dụng chính sách 19 cũng được giới hạn cho việc tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách đến thời điểm Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Các hành vi vi phạm, trục lợi các cơ chế, chính sách đặc thù trong quá trình thực hiện Dự án đương nhiên không được giảm nhẹ, miễn trừ trách nhiệm mà thậm chí phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Ví dụ rõ ràng nhất là để đẩy nhanh tiến độ một số dự án đường bộ cao tốc, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Chính phủ đã báo cáo và được Quốc hội ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong đó có việc khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường.
Cơ chế này hiện vẫn đang phát huy hiệu quả rất tốt, giúp tháo gỡ các vướng mắc về vật liệu xây dựng thông thường nên nếu có xuất hiện các hành vi vi phạm của các đơn vị thực hiện cũng không thể vì thế mà tiến hành truy cứu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức tham mưu xây dựng cơ chế chính sách này.
Tôi cho rằng, đây cũng chính là ví dụ rõ nhất cho việc vận dụng đúng đắn chủ trương được Bộ Chính trị đề ra tại Kết luận số 14 – KL/TW trong việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung tại các dự án hạ tầng giao thông lớn có yêu cầu đặc biệt về tiến độ, chất lượng nói chung, tại Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nói riêng.