Lịch sử cho thấy, lạm phát cao không ảnh hưởng mạnh đến các DN bảo hiểm

Lịch sử cho thấy, lạm phát cao không ảnh hưởng mạnh đến các DN bảo hiểm

Lạm phát và bài toán tăng trưởng của bảo hiểm phi nhân thọ

(ĐTCK-online) Lạm phát đang làm tăng chi phí kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khiến không ít đã hoặc có thể sẽ phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm chi tiêu. Năm 2010, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam là 11,5%, tăng trưởng của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là gần 25%. Với dự báo lạm phát năm 2011 tối thiểu là 15,5% và những diễn biến không thuận lợi của nền kinh tế, tăng trưởng của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có bị ảnh hưởng?

 

Cắt giảm chi tiêu công

Ngày 24/2/2011, nằm trong các giải pháp kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã có Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Triển khai Nghị quyết này, rất nhiều biện pháp cắt giảm chi tiêu tại các bộ, ngành, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã được áp dụng. Trong đó, khá nhiều dự án nằm trong kế hoạch năm 2011 đã bị cắt giảm. Theo tính toán sơ bộ, tới tháng 4/2011, đã có 1.387 dự án với tổng số vốn cắt giảm gần 3.400 tỷ đồng.

Các biện pháp cắt giảm chi tiêu, co hẹp các dự án đầu tư công sẽ ảnh hưởng đáng kể tới các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khi hạng mục bảo hiểm xây dựng và lắp đặt chiếm một tỷ trọng khá lớn trong danh mục sản phẩm của các doanh nghiệp (năm 2010, doanh thu từ các sản phẩm bảo hiểm xây dựng lắp đặt của PVI là 386 tỷ đồng, Bảo Việt 350 tỷ đồng, Bảo Minh 230 tỷ đồng, PJICO 157 tỷ đồng, SVI 122 tỷ đồng, ABIC 103 tỷ đồng). Trong kế hoạch năm 2011 của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều đã tính tới yếu tố này và coi đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn tới việc giảm doanh thu từ nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật.

 

Thắt chặt tín dụng

Nằm trong các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ là thắt chặt tín dụng, kiềm chế tăng trưởng tính dụng dưới mức 20%. Tính tới thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay đang trở thành gánh nặng cho nhiều doanh nghiệp cũng như các cá nhân. Lãi suất tăng cao lên hơn 20%/năm khiến các doanh nghiệp phải gác lại kế hoạch mở rộng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp thừa nhận, với tình hình chi phí vốn đắt đỏ, chỉ có nước "có gì làm nấy", thu gọn hoạt động kinh doanh. Và như vậy, các doanh nghiệp và người dân sẽ có xu hướng cắt giảm các khoản chi chưa cấp thiết, trong đó có khoản chi cho bảo hiểm vì đối với nhiều doanh nghiệp, đây là khoản chi chưa thấy ngay được lợi ích. Thêm vào đó, khi lạm phát có xu hướng tăng lên, giá trị quyền lợi bảo hiểm sẽ có xu hướng giảm, ảnh hưởng nhất định tới tâm lý của khách hàng mua bảo hiểm theo hướng giảm nhu cầu mua.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán từ đầu năm tới nay vẫn ảm đạm, thị trường bất động sản đang đóng băng và tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Nghiệp vụ mang lại doanh thu lớn cho các doanh nghiệp bảo hiểm là đầu tư tài chính do đó cũng khó có lợi nhuận đột biến. Các doanh nghiệp sẽ chủ yếu dựa vào các khoản tiền gửi để hưởng lãi suất cao và ổn định hơn.

 

Lạm phát làm tăng nhu cầu bảo hiểm rủi ro?

Tuy nhiên, cũng có nhận định, lạm phát làm tăng rủi ro cho nền kinh tế, khi đó nhu cầu về bảo hiểm lại tăng lên. Như vậy, lạm phát cũng sẽ không ảnh hưởng lớn tới doanh thu của doanh nghiệp bảo hiểm. Nhìn vào kết quả kinh doanh năm 2010, theo Bộ Tài chính, nhóm đứng đầu top doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam ăn nên làm ra trong năm 2010 là các công ty bảo hiểm.

Có thể thấy, lạm phát và tốc độ tăng trưởng của GDP không phải là yếu tố tác động lớn tới tốc độ tăng trưởng "nóng" của thị trường bảo hiểm nói chung và bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng. Đơn cử, năm 2008, khi GDP giảm chỉ đạt 6,23% so với mức 8,48% của năm 2007 và lạm phát tăng tới 22% thì tăng trưởng của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ lại đột biến là 33,52%.

Đối mặt với lạm phát các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang có các biện pháp để hạn chế tác động của lạm phát, tăng doanh thu và cắt giảm chi phí để gia tăng lợi nhuận. Các hợp đồng bảo hiểm được sàng lọc kỹ càng, hoạt động cạnh tranh hướng tới chất lượng dịch vụ hơn là cạnh tranh phi kỹ thuật.