Giá xăng dầu tăng mạnh đã kéo giá nhiều mặt hàng đi lên. Ảnh: Dũng Minh

Giá xăng dầu tăng mạnh đã kéo giá nhiều mặt hàng đi lên. Ảnh: Dũng Minh

Lạm phát và áp lực lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lạm phát cao đang là vấn đề lớn của nền kinh tế toàn cầu và lạm phát ở Việt Nam dù trong tầm kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng mạnh. Câu hỏi được quan tâm lúc này là chính sách tiền tệ sẽ phản ứng thế nào?

Những đốm lửa đang len lỏi

Chị Hải Yến, người làng Phú Thượng, Tây Hồ bán xôi ở chợ cóc Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, lúc trước gói xôi 5.000 đồng của chị được bọc 2 lớp, một lớp lá bên trong cho khỏi dính và vệ sinh, một lớp giấy bên ngoài, nhưng thời gian gần đây chỉ được bọc trong giấy để tiết kiệm chi phí.

“Cái gì cũng đắt lên, nên tôi đành phải tiết kiệm không dùng lá để gói xôi khi khách mua ít. Cũng biết làm như vậy sẽ bất tiện cho khách, nhưng nếu không thế thì chẳng có lãi, có khi còn ăn vào vốn”, chị nói.

Một quán phở gà ta trên phố Hoàng Ngọc Phách, Ba Đình đang áp dụng giá bán 30.000 đồng/bát, đây cũng là mức giá phải chăng với quán ăn sáng bình dân, nhưng chị chủ quán cho biết sẽ phải tăng giá một chút, vì thực phẩm, nguyên vật liệu đầu vào tăng chóng mặt trong thời gian gần đây.

“Không phải là không có cách để giữ giá bán cũ, chẳng hạn như bớt đi tí bánh phở, ít thịt gà, thậm chí ít gia vị trong nước dùng. Nhưng làm vậy, chất lượng bát phở kém đi, tôi thấy không đang tâm”, chị trần tình.

Tại phiên trả lời chất vấn kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, điều hành tiền tệ “cũng đang chịu áp lực"...

Câu chuyện lạm phát âm thầm len lỏi vào cuộc sống của mỗi gia đình, đặc biệt là việc giá xăng tăng mạnh đã ảnh hưởng rõ đến túi tiền của người dân. Anh Thanh Bình (phố Nguyễn Thị Định, Hà Nội) kể, trước kia, mỗi lần đổ đầy bình xăng ô tô chỉ mất khoảng 1,2 triệu đồng thì nay khoản này ngốn mất của anh 2 triệu đồng.

Thông tin từ Ngân hàng Thế giới cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam đã tăng tháng thứ tư liên tiếp, giá xăng và dầu diesel tăng vọt (lần lượt tăng 5,9% và 4% so tháng trước) là yếu tố chính đóng góp vào lạm phát. Giá lương thực, thực phẩm cũng nhích nhẹ từ 1,1% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 4 lên 1,3% trong tháng 5. Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, nhiên liệu và các mặt hàng có giá cả do Nhà nước quản lý cũng tăng nhưng với mức tăng thấp hơn, từ 1,5% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 4 lên 1,6% trong tháng 5.

Cũng liên quan đến câu chuyện lạm phát, các chuyên gia kinh tế của HSBC cho biết, ở các nước thuộc khối ASEAN, rủi ro lạm phát đã có chiều hướng tăng từ đầu năm 2022 khiến cả lạm phát cơ bản lẫn toàn phần đều tăng cao hơn so với mức trước đại dịch, nhưng lạm phát ở Việt Nam vẫn tương đối trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là lạm phát toàn phần nhiều khả năng sẽ sớm tăng mạnh ở nhóm thứ hai, nhất là trong bối cảnh giá năng lượng tăng lên. Giá dầu thế giới dù đã “hạ nhiệt” so với đỉnh hồi tháng 3 vẫn ở mức cao, còn giá khí đốt tự nhiên tiếp tục tăng lên từ từ.

Điều hành tiền tệ “đang chịu áp lực”

Lãi suất, một trong những công cụ điều hành chính sách tiền tệ, điều tiết vĩ mô, thường xuyên được sử dụng để kiềm chế lạm phát. Thực tế, trước đà tăng phi mã của lạm phát thời gian qua, ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia trên thế giới đã quyết định nâng lãi suất.

Gần đây nhất, ngày 15/6/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,75%/năm, mức cao nhất trong vòng 3 thập kỷ qua, chỉ sau đợt nâng lãi suất 0,5%/năm hơn 1 tháng. Châu Âu (EU) và nhiều nền kinh tế khác cũng có động thái tương tự với diễn biến lạm phát trong nước và xu hướng điều hành chính sách tiền tệ trên thế giới, điều mà thị trường quan tâm lúc này là chính sách lãi suất của Việt Nam sẽ ra sao?

Quan sát diễn biến thị trường ngân hàng thời gian qua, có thể thấy mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường 1 có xu hướng tăng nhẹ trong tháng 5.

Cụ thể, trên thị trường 1, mặt bằng lãi suất huy động niêm yết tiếp tục có xu hướng tăng khoảng 0,1 - 0,5%/năm tại hầu hết kỳ hạn ở nhiều ngân hàng thương mại cổ phần như TPBank, Sacombank, SeABank, SCB, OCB, BAC A BANK.

Riêng Techcombank ghi nhận mức tăng mạnh 0,7%/năm áp dụng đối với các món tiền gửi trung dài hạn của khách hàng lớn số dư hơn 3 tỷ đồng.

Theo nhận định của một lãnh đạo cao cấp BIDV, mặc dù thanh khoản VND trong tháng 5 có xu hướng cải thiện so với tháng trước, đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối tháng, nhưng xét trên tổng thể, nguồn vốn của hệ thống vẫn đang ở trạng thái kém bền vững khiến cho mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 tiếp tục chịu áp lực tăng.

Cụ thể, cân đối huy động vốn - tín dụng vẫn chưa có nhiều cải thiện trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng mặc dù có xu hướng chậm lại đáng kể so với quý I nhưng vẫn ghi nhận mức tăng cao hơn so với huy động khoảng 0,6 - 0,7%.

Trong khi sự chậm lại của tín dụng xuất phát từ bối cảnh thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng hơn và nhiều ngân hàng thương mại đã chạm hạn mức tăng trưởng tín dụng được NHNN giao thời điểm đầu năm mà chưa được cấp thêm, còn diễn biến tương đối khó khăn của huy động vốn lại do triển vọng kém tích cực của cân đối cung - cầu ngoại tệ đã kéo theo sự dịch chuyển của dòng tiền từ trong nước ra quốc tế.

Trong tháng 6, mặt bằng lãi suất huy động VND trên thị trường 1 được dự đoán tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ trong bối cảnh các yếu tố tác động theo chiều hướng tăng chiếm ưu thế hơn.

Vị lãnh đạo BIDV nhận định, thanh khoản VND của hệ thống ngân hàng nhìn chung sẽ giảm bớt mức độ dồi dào trong tháng 6 do chịu áp lực đáng kể từ việc các giao dịch mua ngoại tệ kỳ hạn đến hạn thanh toán sẽ khiến dòng tiền bị hút về Ngân hàng Nhà nước (ước tính sẽ có khoảng 1,5 - 2 tỷ USD giao dịch mua ngoại tệ đến hạn trong tháng 6) và cân đối huy động vốn - tín dụng dự kiến chưa có nhiều cải thiện trong bối cảnh huy động vốn vẫn còn gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng tín dụng có thể được đẩy nhanh hơn với kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét nới thêm room tín dụng cho các ngân hàng thương mại.

Ở chiều ngược lại, mặt bằng lãi suất VND có thể được hỗ trợ bởi một số yếu tố thuận lợi như Ngân hàng Nhà nước dự kiến tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong bối cảnh áp lực lạm phát mặc dù có xu hướng tăng nhưng vẫn trong mức kiểm soát (bình quân tăng 3,5 - 3,7% trong năm 2022).

Bên cạnh đó, tiền gửi Kho bạc Nhà nước hiện đang được duy trì ở quy mô rất lớn và có thể tiếp tục là kênh bổ sung nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại.

“Nhìn chung, các yếu tố tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất vẫn chiếm ư̛u thế hơn trong tháng 6 và theo đó, mặt bằng lãi suất VND sẽ tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ trên thị trường 1”, vị lãnh đạo BIDV nhận định.

Trong một dự báo xa hơn, HSBC cho rằng, tình trạng giá năng lượng cao còn kéo dài sẽ tiếp tục đẩy giá cả hàng hóa nói chung đi lên, nhiều khả năng lạm phát sẽ có lúc vượt qua trần 4% của Ngân hàng Nhà nước trong nửa sau của năm 2022, “tình hình đó có thể sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý III/2022, trước khi tăng lãi suất 3 lần mỗi lần 25 điểm cơ bản trong năm 2023”.

Ngân hàng Thế giới cảnh báo: “Các cấp có thẩm quyền vẫn cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng lên, có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra”.

Tại phiên trả lời chất vấn kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, điều hành tiền tệ “cũng đang chịu áp lực” trong bối cảnh lãi suất quốc tế tăng cao, nhưng chúng ta phải điều hành lạm phát ổn định, thậm chí giảm.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ cân đối hài hoà các giải pháp, công cụ, kể cả giải pháp điều hành tín dụng, tỷ giá... để có lợi nhất cho ổn định vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân nhưng không chủ quan với lạm phát”, Thống đốc nói.

Tin bài liên quan