"Chiến tranh thuế quan là lạm phát, điều đó không thể tranh luận… Ở nhiều nơi, chúng làm tăng thêm những tác động kéo dài từ cú sốc lạm phát trong quá khứ, cũng như những thách thức lớn về mặt cấu trúc như xã hội già hóa và biến đổi khí hậu… Hiện tại chỉ có rất ít lý do để kỳ vọng lạm phát sẽ duy trì ở mức thấp vĩnh viễn", Carsten Brzeski, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của ING cho biết.
Mặc dù Trung Quốc hiện không có dấu hiệu dễ bị tổn thương trước cú sốc về giá, nhưng đối với phần còn lại của thế giới là điều khó nói nếu một vòng xoáy thuế quan nào đó diễn ra. Nhiều nền kinh tế phải đối mặt với áp lực lạm phát tiềm ẩn, trong nước hoặc bên ngoài.
Tại Mỹ, thị trường lao động phục hồi đang khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải cảnh giác khi các chính sách và nguy cơ áp thuế quan của chính quyền Trump đẩy lợi suất trái phiếu lên cao hơn. Ở những nơi khác, sức mạnh của đồng đô la đang ám ảnh các thị trường mới nổi.
Sự xuất hiện của Tổng thống Trump đã làm gia tăng thêm những lo lắng đã tồn tại từ trước. Mặc dù một quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố vào tháng 10 rằng cuộc chiến kiểm soát lạm phát "gần như đã giành chiến thắng", nhưng những người tham dự Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos vào tháng trước vẫn hoài nghi về vấn đề này.
Một cuộc khảo sát của Bank of America đối với các nhà quản lý quỹ toàn cầu vào tháng 1 cho thấy sự tái xuất hiện của tăng trưởng giá tiêu dùng toàn cầu là chủ đề chính cho năm 2025. Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán lạm phát sẽ chậm lại, nhưng vẫn cảnh báo nó "có thể dai dẳng hơn dự kiến".
Riêng đối với Mỹ, các nhà phân tích đang bắt đầu đánh giá lại triển vọng lạm phát. Theo Michael Gapen, chuyên gia kinh tế trưởng của Morgan Stanley: "Sự không chắc chắn về thuế quan lúc có lúc không sẽ làm tăng rào cản đối với việc Fed cắt giảm".
Điều này diễn ra sau phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell vào tuần trước rằng, các quan chức sẽ không vội vàng hạ lãi suất và tạm dừng nới lỏng để xem xét tiến triển hơn nữa về lạm phát. Khả năng tăng thuế quan cũng làm phức tạp thêm triển vọng đó.
“Fed cần cảnh giác với rủi ro lạm phát phát sinh từ các chính sách thuế quan được đề xuất… Mặc dù các ngân hàng trung ương thường xem xét các đợt tăng thuế quan, nhưng họ phải lưu ý đến rủi ro kỳ vọng lạm phát bắt đầu tăng cao hơn”, Seema Shah, chiến lược gia toàn cầu tại Principal Asset Management cho biết.
Ở bên kia Đại Tây Dương, mức độ của bất kỳ phản ứng thương mại nào cũng có thể là chìa khóa nếu Tổng thống Trump áp dụng thuế quan.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã lập luận rằng, bà không quá lo ngại về việc nhập khẩu lạm phát và theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Andrew Bailey, tác động của thuế quan không dễ dự đoán.
Ngay cả một số quan chức cũng đang trở nên cảnh giác. Nhà kinh tế trưởng ECB, Philip Lane đã cảnh báo rằng, "lực ma sát" trong thương mại toàn cầu có thể làm lu mờ triển vọng lạm phát và "rủi ro tăng giá mới" có thể xuất hiện.
Tại Anh, một cuộc khảo sát của BOE về các doanh nghiệp vừa và lớn đã chỉ ra mức tăng trưởng tiền lương và chi phí đầu ra cao trong năm tới.
Sau khi bắt đầu chu kỳ thắt chặt vào năm ngoái, ngân hàng trung ương Brazil hiện đang cảnh báo lạm phát sẽ vượt quá phạm vi chấp nhận được trong sáu tháng tới. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách Chile cho biết, rủi ro lạm phát đã tăng lên khiến mọi lựa chọn đều có thể xảy ra.
Ngay cả ở châu Á với giá cả phần lớn đã trở lại phạm vi mục tiêu, các vấn đề vẫn tiếp diễn. Tại Indonesia, giá tiêu dùng chính đã giảm mạnh nhất trong 20 năm vào tháng 1 do chính phủ trợ cấp điện, nhưng lạm phát cơ bản đã tăng cao hơn dự kiến và ngân hàng trung ương đã buộc phải can thiệp để hỗ trợ đồng rupiah.
Dữ liệu cho thấy, lạm phát tiêu dùng của Hàn Quốc đã tăng tốc vào tháng 1 do giá năng lượng và thực phẩm tăng cao. Tại Nhật Bản, tiền lương danh nghĩa đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần ba thập kỷ vào tháng 12, hỗ trợ cho quyết định tăng lãi suất mới nhất của Ngân hàng trung ương Nhật Bản và giúp ngân hàng này đi đúng hướng để thực hiện các bước thắt chặt hơn nữa.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang trong thời kỳ giảm phát, với nhu cầu trong nước yếu thúc đẩy xuất khẩu rẻ hơn và đầu tư trong nước ít hơn. Triển vọng về một cuộc chiến thương mại sâu sắc hơn khiến các nhà kinh tế kỳ vọng các động thái kích thích bổ sung để bù đắp cho lực cản tiềm tàng đối với xuất khẩu.
“Chúng ta không bao giờ được quên rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc vẫn đang chìm trong tình trạng bán giảm phát… Với thị phần của các sản phẩm Trung Quốc trong thương mại thế giới, đây sẽ là nguồn làm giảm giá hàng hóa có thể giao dịch trên toàn cầu”, Gilles Moec, nhà kinh tế trưởng tại AXA Investment Managers cho biết.
Mặc dù vẫn còn nhiều bất ổn xung quanh mức thuế quan của Mỹ, cũng như thời điểm áp dụng và khả năng trả đũa, nhưng rõ ràng là điều này không chỉ gây áp lực lên giá mà còn làm suy yếu tăng trưởng trên toàn cầu. Vài tuần trước, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã cảnh báo về tình trạng đình lạm – sự kết hợp tương đối hiếm gặp giữa lạm phát cao dai dẳng, thị trường lao động yếu và tăng trưởng chậm chạp – có khả năng xuất hiện.
Aditya Bhave, nhà kinh tế tại Bank of America cảnh báo rằng, cả bối cảnh và các biện pháp của Tổng thống Trump đều không giống như trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
“Mối quan ngại ở đây có thể khiến bối cảnh hơi khác so với năm 2018 - 2019, là chúng ta đang ở trong một môi trường rất khác về mặt lạm phát… và lần này, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, thuế quan cũng đã được áp dụng cho hàng tiêu dùng”, ông cho biết.