Ngân hàng Trung ương châu Âu được dự đoán sẽ tiến hành đợt cắt giảm lãi suất thứ ba trong năm nay, ngay tại cuộc họp chính sách vào tháng này. Ảnh: Pixabay
Số liệu được Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 1/10 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Eurozone chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức 2,2% của tháng 8, do chi phí năng lượng giảm mạnh.
Dữ liệu lạm phát tháng 9 củng cố niềm tin ngày càng tăng của các nhà đầu tư rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ nhanh hơn để giải quyết tình trạng nền kinh tế trì trệ và giảm phát đến nhanh bất ngờ.
Trả lời các nhà lập pháp của Liên minh châu Âu vào ngày 30/9, Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde, cho biết rằng các quan chức tiền tệ của khối này sẽ tính đến yếu tố lạc quan ngày càng tăng về giá tiêu dùng khi đưa ra quyết định lãi suất tiếp theo vào ngày 17/10.
Sau thông tin lạm phát, đồng euro trượt giá so với đồng bạc xanh và giao dịch ở mức 1 EUR đổi 1,1109 USD, giảm 0,2% từ mức cao nhất trong gần hai năm. Các nhà giao dịch trên thị trường tiền tệ hiện dự đoán gần 90% khả năng ECB sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất thứ ba trong năm nay, tại cuộc họp chính sách vào tháng này.
Ngoài ra, ECB được cho là sẽ tiến hành thêm một đợt cắt giảm lãi suất khác ở mức 25 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm vào tháng 12. Nếu kịch bản này xảy ra, lãi suất tiền gửi của ECB sẽ giảm về 3%, từ mức 3,5% hiện nay.
Kịch bản ECB nới lỏng tiền tệ nhanh hơn bắt đầu được tính toán đến sau khi kết quả khảo sát kinh doanh của S&P Global vào tuần trước bất ngờ cho thấy nền kinh tế Eurozone suy giảm trong tháng 9, với nhu cầu suy yếu và áp lực giá cả giảm bớt. Dữ liệu từ Đức, Pháp và Tây Ban Nha đã củng cố cho nhận định này khi lạm phát ở các quốc gia này cũng đang giảm xuống dưới 2%.
Tuy nhiên, các hạng mục chính trong lạm phát đang bị kìm hãm bởi chi phí năng lượng không ổn định và có thể sẽ tăng trở lại vào cuối năm.
Đơn cử, lạm phát dịch vụ - một số liệu được các quan chức Eurozone rất quan tâm và dùng để xác định áp lực giá nội khối - lại chỉ giảm về 4% trong tháng 9, từ mức 4,1% trong tháng 8.
Trong khi đó, tăng trưởng tiền lương, động lực chính của hạng mục chi phí dịch vụ, vẫn ổn định nhưng đã bắt đầu giảm. Nhà kinh tế trưởng của ECB, ông Philip Lane, kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục khi tiền lương của người lao động bù đắp được mức giảm của sức mua trong những năm gần đây.
Tại phiên điều trần trước các nhà lập pháp ngày 30/9, Chủ tịch ECB đã nhận thức được những diễn biến trên, nhưng bà khẳng định rằng "chúng tôi có lý do để tin rằng dịch vụ cũng đang bắt đầu giảm dần, chậm và dần dần, vì vậy chúng tôi đang hướng tới mục tiêu giảm lạm phát".
Trong khi đó, ông Jamie Rush, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Âu tại Bloomberg Intelligence, cho rằng: "Có vẻ như áp lực chi phí cơ bản đang giảm dần. Lạm phát sẽ tăng nhẹ trong những tháng tới dựa trên các hiệu ứng cơ bản, nhưng triển vọng chung là giảm phát trên diện rộng. Dự báo của chúng tôi cho thấy mục tiêu bền vững sẽ không đạt được vào năm 2025".
Thật vậy, mối lo ngại về nền kinh tế Eurozone đang gia tăng, chủ yếu là do triển vọng ngày càng ảm đạm về ngành sản xuất chế tạo của Đức. Chính phủ Đức sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay, đồng thời cảnh báo tình trạng trì trệ ở mức cao nhất sau khi suy giảm cả năm 2023.
Điều đó đã ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng, những người vẫn còn do dự không muốn mở hầu bao ngay cả khi họ được hưởng lợi từ lạm phát chậm lại và thu nhập tăng lên.
Những trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế "đồng nghĩa là tôi vẫn chưa thể tuyên bố rằng cái gọi là hạ cánh mềm đã được đảm bảo", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Phần Lan Olli Rehn cho biết. Người đứng đầu cơ quan tiền tệ Phần Lan cũng lưu ý rằng: "Điều đó cần được tính đến khi ra quyết định chính sách tiền tệ trong tương lai, để không tác động xấu đến sự ổn định giá cả".