Lạm phát thấp kỷ lục, Mỹ thận trọng với nguy cơ trì trệ

Lạm phát thấp kỷ lục, Mỹ thận trọng với nguy cơ trì trệ

(ĐTCK) Chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ chỉ tăng 0,8% trong 12 tháng qua. Mức thấp kỷ lục này đang tạo ra thách thức cho kinh tế Mỹ bởi thực tế đã chứng minh, nhiều nước khi rơi vào vòng xoáy giảm phát đã không vực dậy nổi.

Giảm phát giống như một hố đen vũ trụ, nó cuốn tất cả các nền kinh tế vào và nghiền nát chúng. Vừa qua, ngày 15/1, Thụy Sỹ đã trở thành nạn nhân của nó khi ngân hàng trung ương nước này buộc phải bỏ cuộc trong việc cố duy trì tỷ giá đồng Franc so với Euro. Động thái này khiến hàng hóa sản xuất tại Thụy Sỹ trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường quốc tế.

Gần đây, từ “giảm phát” ngày càng xuất hiện nhiều trong các cuộc hội đàm. Các nhà phân tích chủ yếu trao đổi về nguy cơ mà giảm phát mang lại chứ không phải bản về việc liệu nó có xảy ra hay không.

Vậy, giảm phát là gì? Câu trả lời đơn giản nhất: giảm phát xảy ra khi giá của các loại hàng hóa bị suy giảm.

Đầu tiên, giá giảm nghe có vẻ sẽ tốt! Nhưng thực tế là ngược lại, theo bà Eleanor Blayney, người phụ trách khuyến khích tiêu dùng của Ủy ban cấp phép cho các nhà Kế hoạch tài chính tại Mỹ (Certified Financial Planner Board of Standards) và cũng là một chuyên gia của Life Tuner cho rằng: “Khi giảm phát nhân rộng chứ không chỉ bó hẹp trong một vài hàng hóa, người tiêu dùng sẽ chi tiêu ít đi, các nhà máy bị buộc phải cắt giảm sản xuất, cắt giảm nhân công. Điều này làm cho tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và lại làm cho các hộ gia đình càng chi tiêu ít đi nữa, và rồi nó lại làm cho giá cả hàng hóa càng giảm sâu hơn”.

Giá giảm cũng khiến doanh số và nguồn thu thuế giảm sút, cản trở việc tăng lương, ăn mòn lãi suất cận biên. Chúng cũng đè gánh nặng nợ nần lên các công ty và chính phủ.

Nói cách khác, giảm phát là cả nguyên nhân và hậu quả của việc nền kinh tế bị đình trệ.

Trong lịch sử, giảm phát đã thổi bùng hai thảm họa kinh tế tệ nhất thời hiện đại, đó là đợt đại suy thoái ở Mỹ vào những năm 1930, và hàng thập kỷ kinh tế trì trệ tại Nhật Bản gần đây.

Liệu nước Mỹ có trở thành nạn nhân tiếp theo?  Theo báo cáo của Bloomberg, đồng đôla đã tăng 11% kể từ hè năm ngoái, mức tăng này khiến hàng hóa được sản xuất tại Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn.

Theo dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 16/1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 12 giảm 0,4%, mức giảm lớn nhất kể từ khi kinh tế suy thoái 6 năm trước. Mức CPI trên tương ứng với dự đoán trước đó của các giới phân tích và là lần giảm liên tiếp khi CPI của tháng trước đó giảm 0,3%.

Báo cáo của bộ này còn cho hay trong vòng 12 tháng qua, CPI của Mỹ chỉ tăng 0,8%, thấp hơn nhiều mục tiêu lạm phát 2% của FED. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2008 khi CPI vào thời điểm đó chỉ tăng 0,1%.

Tuy nhiên, có lẽ nước Mỹ vẫn đang ở trạng thái an toàn. Nền kinh tế Hoa Kỳ đủ mạnh để có thể trụ vững trước làn sóng giảm phát đang xảy ra tại châu Âu. Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế tại Bloomberg, nền kinh tế Hoa Kỳ có thể tăng trưởng thêm 3,1% trong năm 2015, tốt hơn mức 2,4% trong năm ngoái.

Nhưng điều đó không có nghĩa các nguy cơ không hề tồn tại. Giảm phát rất nguy hiểm bởi nó có thể vượt qua ranh giới các quốc gia một cách nhanh chóng. Điều đáng lo ngại ở đây là: nền kinh tế châu Âu đang rất yếu.

Với nhu cầu hàng hóa và dịch vụ giảm sút, giá cả tại khu vực đồng Euro đã giảm 0,2% trong năm vừa qua. Việc Eurozone rơi trở lại vào tình trạng giảm phát có thể thôi thúc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hành động để kích thích nền kinh tế và thúc đẩy giá bằng cách mua trái phiếu nhằm hạ mức lãi suất.

Điều này biến đồng Euro trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, khiến họ hướng đến những đồng tiền khác đang tăng giá. Đó chính là lý do đồng Franc Thụy Sỹ và đồng USD tiếp tục tăng giá.

Các nhà kinh tế học Mỹ biết rằng việc giá xăng dầu giảm sẽ khiến chỉ số giá cả của các mặt hàng giảm xuống trong tháng 12. Nhưng họ không ngờ đến các chỉ số lõi lại giảm mạnh nhất, trong đó bao gồm đồ ăn và năng lượng. Các chỉ số lõi này gần bằng tháng 11, trong khi được kỳ vọng sẽ tăng 0,1%. Gía cả của quần áo, phương tiện đi lại và phí hàng không đều giảm trong tháng 12.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế tại PNC Financial Services Group, ông Gus Faucher: “Việc lạm phát ở mức thấp cũng đem đến một tác động tích cực chính là giúp cho người lao động có thể tiết kiệm được nhiều hơn. Với việc giá gas và giá các loại năng lượng khác giảm, công nhân sẽ dễ dàng thanh toán các hóa đơn, và có thể chi tiêu thêm vào các hàng hóa, dịch vụ khác”.

Tin bài liên quan