Lạm phát tăng cao, chứng khoán bất ổn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall trái chiều trong phiên ngày thứ Năm (11/11) sau phiên bán tháo trên diện rộng do lo ngại lạm phát.
Lạm phát tăng cao, chứng khoán bất ổn

Một số cổ phiếu công nghệ khởi sắc vào ngày thứ Năm sau khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 10 của Mỹ đẩy lợi suất trái phiếu tăng vọt trong phiên trước đó. Cổ phiếu Nvidia tăng 3,2% và cổ phiếu AMD tăng 4,4%.

Ngược lại, cổ phiếu của Walt Disney giảm mạnh 7,1% và là lực cản nặng nề nhất đối với Dow Jones sau khi công bố lợi nhuận quý III đáng thất vọng do sụt giảm người dùng trực tuyến cũng như doanh thu của công viên giải trí.

Cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô điện Rivian Automotive tăng 22,1%, sau khi tăng vọt 29,1% trong phiên IPO. Cổ phiếu hãng đối thủ Lucid Group cũng tăng 10,4%.

Tuy nhiên cổ phiếu Tesla giảm 0,4% sau khi râm ran thông tin CEO Elon Musk bán khoảng 5 tỷ USD cổ phiếu của công ty trong những ngày qua, sau cuộc thăm dò “gây bão” trên Twitter về việc liệu ông có nên bán bớt 10% cổ phần của mình trong công ty do ông sáng lập hay không thu hút hàng triệu người tham gia.

Một số các cổ phiếu nổi bật khác trong phiên tăng giá nhờ kết quả kinh doanh quý III vượt kỳ vọng như Dillard's tăng 10%, Tapestry tăng 8,4%.

Theo giới quan sát, dữ liệu lạm phát gần đây khiến thị trường lo ngại Fed sẽ hành động nhanh hơn và mạnh mẽ hơn để kiềm chế lạm phát.

Với dữ liệu tâm lý người tiêu dùng dự kiến ​​được công bố vào ngày mai và một loạt các nhà bán lẻ sẽ báo cáo kết quả kinh doanh quý III trong tuần tới, trọng tâm sẽ chuyển sang chi tiêu của người tiêu dùng khi mùa mua sắm nghỉ lễ đến gần.

Trong khi Dow Jones đóng cửa trong sắc đỏ, hai chỉ số chính còn lại khởi sắc. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures đang tăng tốt.

Kết thúc phiên 11/11, chỉ số Dow Jones giảm 158,71 điểm (-0,44%), xuống 35.921,23 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,56 điểm (+0,06%), lên 4.649,27 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 81,58 điểm (+0,52%), lên 15.704,28 điểm.

Chứng khoán châu Âu xanh sàn trong phiên ngày thứ Năm sau khi tập đoàn bất động sản Evergrande lại một lần nữa thoát cảnh vỡ nợ trong ngày 11/11, đưa nhóm cổ phiếu khai thác tập trung vào thị trường Trung Quốc khởi sắc, trong khi mùa báo cáo quý III mạnh mẽ tiếp tục thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 11/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 44,3 điểm (+0,60%), lên 7.384,18 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 15,28 điểm (+0,10%), lên 16.083,11 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 14,39 điểm (+0,20%), lên 7.059,55 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm khi giới đầu tư chọn mua mạnh các cổ phiếu đang bị định giá thấp.

Chứng khoán Trung Quốc tăng khi các nhà đầu tư săn đón cổ phiếu bất động sản, đặt cược Bắc Kinh sẽ nới lỏng các chính sách để ngăn chặn sự sụp đổ toàn ngành.

Chứng khoán Hồng Kông tăng theo thị trường Đại lục khi cổ phiếu bất động sản khởi sắc trở lại.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ, chịu ảnh hưởng của phiên đêm trước đó trên phố Wall.

Kết thúc phiên 11/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 171,08 điểm (+0,59%), lên 29.277,86 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 40,32 điểm (+1,15%), lên 3.532,79 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 254,91 điểm (+1,02%), lên 25.251,05 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 5,25 điểm (-0,18%), xuống 2.924,92 điểm.

Giá vàng đêm qua tiếp tục tăng vọt, trụ vững trên đỉnh cao 5 tháng qua bất chấp đồng USD cũng tăng khi lạm phát lên mức cao nhất 31 năm. Bên cạnh đó, nhu cầu vàng vật chất được dự báo sẽ tăng lên ở Ấn Độ và Trung Quốc vào dịp cuối năm có thể hỗ trợ cho giá vàng.

Kết thúc phiên 11/11, giá vàng giao ngay tăng 12,00 USD (+0,65%), lên 1.861,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 15,60 USD (+0,84%), lên 1.863,90 USD/ounce.

Giá dầu tăng nhẹ trong phiên ngày thứ Năm trong bối cảnh thị trường vật lộn với đà tăng giá của đồng USD do lo ngại về tình trạng gia tăng lạm phát của Mỹ, đồng thời OPEC cũng cắt giảm dự báo nhu cầu dầu năm 2021 do giá cao.

OPEC công bố báo cáo tháng 11 đưa ra dự báo, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt 99,49 triệu thùng/ngày trong quý IV/2021, giảm 330.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước.

Theo OPEC, tốc độ phục hồi trong quý IV chậm lại là do giá năng lượng tăng cao, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Kết thúc phiên 11/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,23 USD (0,3%), lên 81,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,25 USD (0,3%), lên 82,64 USD/thùng.

Tin bài liên quan